Trước đó, chiều 16/9, vợ chồng ông Nguyễn Hội (sinh năm 1959) và bà Lê Thị Kim Huệ (sinh năm 1966) cùng trú tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng choáng, tê đầu lưỡi và sau đó tê toàn thân. Người chồng có triệu chứng nặng hơn, nhập viện trong tình trạng ngừng tim. Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, Chống độc trong tình trạng mê sâu, ngừng thở phải chỉ định thở máy. Người vợ triệu chứng nhẹ hơn và được chỉ định điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm.
Theo thông tin từ bệnh nhân và người nhà, chiều 16/9, 2 vợ chồng ông Hội đã ăn thực phẩm chế biến từ cá nóc. Khoảng 01 giờ sau khi ăn, cả 02 đều xuất hiện các triệu chứng trên và được người thân đưa đi cấp cứu.
Đến sáng 17/9, sức khỏe người chồng có cải thiện hơn. Bệnh nhân tỉnh, tự thở, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu và có bệnh lý nền về phổi nên bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực. Người vợ sức khỏe đã ổn định.
Thời gian qua, dù thông tin về độc tố của cá nóc đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo. Nhưng tại Quảng Ngãi nhiều ngư dân hoặc người dân vẫn chủ ý chế biến và ăn các món chế biến từ cá nóc dẫn đến ngộ độc nguy kịch.
Theo các bác sĩ, ngộ độc cá nóc chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc cá nóc sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc.