Theo đó, Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2017/TT-BYT về quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Thông tư 18/2022/TT-BYT ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chính sách BHXH khi bị ốm đau, mắc COVID-19 điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, tại Thông tư 18 có một số điểm thay đổi nổi bật như:
Với các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần, Thông tư 18 quy định các trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS chỉ cần căn cứ vào bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án để xem xét, giải quyết chế độ. Các trường hợp này không cần giám định y khoa. Chỉ các đối tượng người mắc các bệnh, tật khác và có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn cần giám định y khoa để làm cơ sở được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trong khi Thông tư 56 quy định các trường hợp trên đều phải khám giám định xác định không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Với các trường hợp giám định lại, Thông tư 18 quy định: Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thông tư 18 không quy định thời hạn giám định lại ít nhất sau 2 năm (đủ 24 tháng); còn Thông tư 56 trước đó quy định thời hạn giám định lại của các trường hợp trên là ít nhất sau 2 năm (đủ 24 tháng), kể từ ngày người lao động được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó,
Về các trường hợp người bệnh được lưu tại trạm y tế xã, Thông tư 18 quy định rõ số ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội nhưng không quá 30 ngày; trong khi Thông tư 56 trước đó chưa quy định số ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cụ thể.
Về việc cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thông tư 18 có bổ sung một số quy định cụ thể như:
Về đối tượng cấp, là người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể, ngoài những người điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; còn có người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập theo quy định như: Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; Bệnh viện điều trị COVID-19; Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19; Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.
Về thẩm quyền cấp, người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trong đó có quy định, với những trường hợp giấy đã cấp trước ngày Thông tư 18 có hiệu lực không đúng mẫu theo quy định Thông tư số 56, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại theo quy định tại Thông tư 18. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện, ngày ra viện theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp.
Trường hợp người lao động đã điều trị COVID-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã điều trị COVID-19 căn cứ đề nghị của người đó và hồ sơ bệnh án để cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện và ngày ra viện ghi theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp;
Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong giấy ra viện;
Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy chịu trách nhiệm cấp hoặc cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh…