Ngày 3/10, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhi trên sinh thường, đủ tháng và không có biểu hiện tim bẩm sinh. Sau đó, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu vì bị viêm hô hấp.
Tại đây, bác sĩ phát hiện bé tím, độ bão hoà oxy chỉ ở mức 80 - 85% (bình thường từ 95 - 99%). Nghi ngờ bé có bệnh tim bẩm sinh nên bệnh viện tuyến dưới đã chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.
Tại khoa Cấp cứu, bé được hội chẩn với các bác sĩ cấp cứu và nội tim mạch nhi. Qua siêu âm phát hiện bé mắc dị tật tim bẩm sinh chuyển vị đại động mạch, kèm thông liên thất, theo dõi bất thường động mạch vành. Bệnh nhi tiếp tục được hội chẩn và khảo sát các bất thường về giải phẫu, điều trị ổn định nội khoa tích cực.
Qua thăm khám, nhận thấy tổng trạng bệnh nhi cho phép chịu đựng ca mổ kéo dài và rất phức tạp, bé được ê kíp tiến hành phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn, đóng thông liên thất, đảo gốc động mạch, cắm lại động mạch vành.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa Phẫu thuật Hồi sức tích cực Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhi có bất thường động mạch vành trái, trong quá trình phẫu thuật phát hiện đường đi của động mạch vành trái chạy trong thành động mạch chủ. Nhận định đây là bất thường rất khó sửa chữa, có thể gây khó khăn cả ở các bác sĩ nhiều kinh nghiệm phẫu thuật tim trẻ em, ê kíp đã rất cẩn thận, phẫu tích thật chính xác, tỉ mỉ, không để xảy ra bất kỳ sai lệch nào.
“Bệnh nhi được điều chỉnh các rối loạn nội môi, ổn định chức năng của các tạng vốn bị ảnh hưởng trong quá trình chạy tuần hoàn ngoài cơ thể khi phẫu thuật trong thời gian dài; đặc biệt là chống nhiễm trùng, bởi đây là yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại của phẫu thuật. Sau 6 giờ nỗ lực, ê kíp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật. Sau hai tuần chăm sóc tại phòng Hồi sức mổ tim và phòng Hồi sức khoa Tim mạch, bé đã được cai máy thở, hồi phục tốt”, bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh cho biết.
Theo các bác sĩ, chuyển vị đại động mạch được xem là một trong những dị tật tim bẩm sinh khó nhất. Trong đó, hai vòng tuần hoàn hệ thống và phổi hoạt động song song và độc lập với nhau.Trẻ sinh ra chỉ có thể sống sót nếu có thông nối ở tầng động mạch (ống động mạch), tầng nhĩ (thông liên nhĩ) hay tầng thất (thông liên thất). Vì vậy ngay sau sinh, trẻ cần được can thiệp khẩn để tạo các thông nối trong tim, cho phép máu oxy hoá và không oxy hoá được trộn lẫn nhau. Thời điểm vàng phẫu thuật là trong một tháng đầu đời, nhất là trong tuần đầu tiên.
Chuyển vị đại động mạch được gọi là phức tạp khi có kèm dị tật khác như thông liên thất hay có bất thường động mạch vành. Bác sĩ phẫu thuật cần có hiểu biết rất rõ về giải phẫu động mạch vành để có thể xử lý tốt những trường hợp có bất thường này. Đặc biệt những trường hợp động mạch vành đi trong thành động mạch chủ là khó nhất. Nguy cơ của phẫu thuật sẽ cao hơn nhiều so với những trường hợp chuyển vị đại động mạch đơn thuần.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 7.000 trường hợp bệnh nhân đến khám về vấn đề tim mạch. Trong đó, số bệnh nhân nội trú tại khoa dao động từ 2.000 - 3.000 trường hợp mỗi năm. Chương trình mổ tim tại bệnh viện bao gồm mổ tim kín và hở; thông tim chẩn đoán và can thiệp. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có từ 7 - 10 trường hợp được can thiệp mổ tim và 10 - 12 trường hợp được can thiệp thông tim tại bệnh viện.