Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải đảm bảo PHOs không được sử dụng trong quy trình sản xuất; các doanh nghiệp bán lẻ và nhập khẩu cũng phải đảm bảo các mặt hàng thực phẩm của mình không có PHOs như là một thành phần của thực phẩm.
Theo MOH, khoảng 10% trong tổng số các loại dầu ăn, các chất béo và các sản phẩm trước khi đóng hộp tại Singapore đều có chứa PHOs. Hiện, 6 công ty của Singapore (Gardenia Foods, Nestle Singapore, NTUC FairPrice, chuỗi siêu thị Prime Supermarket, tập đoàn Sheng Siong, chuỗi cửa hàng bánh Sunshine) đã cam kết đáp ứng yêu cầu các sản phẩm của họ sẽ hoàn toàn không có PHOs từ tháng 6/2020 (trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực 1 năm).
MOH cho biết 6 công ty này chiếm tới 50% thị phần của 4 mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao về bệnh tim mạch là snack, đồ nướng, đồ ăn sẵn và thực phẩm chất béo.
Để hỗ trợ các công ty tìm kiếm cách thức mới để sản xuất thực phẩm không chứa chất béo trans fat, Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore) sẽ cung cấp những khoản hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để điều chỉnh công thức sản phẩm. Song song với đó, MOH sẽ cung cấp các hướng dẫn để tạo thuận lợi cho việc chuyển giao dây chuyền được dễ dàng, đồng thời tăng cường giám sát thị trường nhằm đảm bảo lệnh cấm được thực thi đầy đủ.
Biện pháp mới này sẽ thay thế quy định hiện tại giới hạn ở mức 2% khối lượng chất béo trans fat trong các sản phẩm chất béo và dầu ăn được bán tại Singapore. Mức giới hạn 2% nói trên đã giúp giảm lượng chất béo trans fat tiêu thụ trung bình hàng ngày của người dân Singapore xuống còn 1g (năm 2018) từ mức 2.1g (năm 2010).
Chất béo trans fat khi được hấp thụ vào cơ thể người có thể làm gia tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, và không có mức giới hạn an toàn nào về lượng tiêu thụ chất này. Các nghiên cứu trước đây cho thấy cứ khoảng 4g chất béo trans fat hấp thụ trong 1 ngày sẽ làm gia tăng 23% nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.