Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có xu hướng tăng nhanh

Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2020, trên địa bàn Hà Nội có 8 ca sốt xuất huyết, riêng 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân Nguyễn Gia Trinh, 16 tuổi, Mỹ Đình (Hà Nội) đang chờ kết quả khám sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi có triệu chứng sốt kéo dài 4 ngày. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Theo chu kỳ, hiện nay đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết do thời tiết bắt đầu mưa nhiều và nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.

Sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy đòi hỏi các địa phương và người dân không được chủ quan trước nguy cơ bùng phát của dịch sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi; đồng thời, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế đã có văn bản 4254/SYT - NVY chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục tập huấn, tập huấn lại cho nhân viên y tế các hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đơn vị tổ chức khám, phát hiện sớm, phân loại người bệnh, cách ly và chỉ định tiếp nhận người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định. Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện thì chuyển tuyến trên điều trị theo quy định; không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép. Từng đơn vị đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc kịp thời điều trị cho người bệnh, hạn chế tử vong do dịch bệnh.

Bên cạnh việc thực hiện công tác khám và điều trị, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để kịp thời xử lý dịch bệnh theo quy định; tích cực tuyên truyền về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch cho người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế; thực hiện tổng vệ sinh môi trường khoa, phòng, buồng bệnh và các biện pháp phòng lây nhiễm chéo tại đơn vị.

Tuyết Mai (TTXVN)
Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết
Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN