Hà Nội vẫn đang trong đỉnh dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Vì nghĩ trời lạnh không có muỗi nên mấy ngày nay chị Nguyễn Mai T. (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ qua việc mắc màn đi ngủ, đến khi phát hiện trên mặt và tay con có vết muỗi đốt, chị mới tá hỏa đi kiểm tra thì thấy trong nhà vẫn có muỗi trú ngụ, lọ hoa không thay nước ở góc nhà xuất hiện bọ gậy.
“Tôi cứ nghĩ trời lạnh muỗi không hoạt động nên gần đây không chú ý diệt muỗi, ngủ không mắc màn, kiểm tra kỹ thì ở các xó tối trong nhà vẫn có muỗi. Để muỗi đốt trong lúc đang có dịch sốt xuất huyết thì rất nguy hiểm nên gia đình tôi không dám lơ là nữa”, chị Mai T. chia sẻ.
“Nhà tôi gần mấy công trình đang xây dựng nên thường có nhiều muỗi, mới mấy hôm không dọn dẹp đã thấy muỗi đậu ở góc treo quần áo. Tuy các gia đình xung quanh nhà tôi không có ai bị sốt xuất huyết, nhưng vẫn rất sợ bị muỗi đốt”, chị Hoàng Thùy (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên nhiệt độ giảm. Nhiều người dân cho rằng trời lạnh muỗi sẽ không hoạt động, chủ quan bỏ qua việc diệt bọ gậy, diệt muỗi, khiến muỗi có điều kiện sinh sôi và truyền bệnh sốt xuất huyết.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tháng 10 là đỉnh dịch sốt xuất huyết. Gần đây, nhiệt độ có giảm nhưng vẫn trong mức nhiệt sinh sôi, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết; người dân không được lơ là, chủ quan phòng dịch.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 16- 22/10 toàn thành phố đã ghi nhận 862 người mắc sốt xuất huyết, giảm 159 người so với tuần trước đó và giảm hơn 2.700 người (giảm 75,8%) so với tuần cao điểm trong tháng 8. Hầu hết tại các quận, huyện số người mắc đã giảm nhưng vẫn có 3 quận huyện có số mắc tăng là: Ba Đình, Sơn Tây, Phú Xuyên; toàn thành phố còn 240 ổ dịch đang hoạt động.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuy dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang có chiều hướng giảm nhưng số người mắc vẫn còn ghi nhận ở mức cao, vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế số ca mắc mới và tử vong.
Đặc biệt các vùng bị ngập lụt như huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức tích cực triển khai vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, với tinh thần nước rút đến đâu vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh đến đó. Các địa phương này cũng cần tập trung lực lượng, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các vùng bị ngập.
Các quận, huyện, thị xã vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết.