Tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thạc sỹ, Bác sỹ Phạm Hồng Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, bắt đầu từ năm 2006, Bộ Y tế đã triển khai Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua xây dựng, mở rộng hệ thống sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, đồng thời triển khai thí điểm Chương trình tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn của 20 tỉnh, thành phố (năm 2007), sau đó mở rộng triển khai ở 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Trên cơ sở kết quả các đề án về nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai, ngày 7/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1999/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030. Các hoạt động của đề án được mở rộng về số lượng các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán; đối tượng thụ hưởng (nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh); tăng cường tiếp cận dịch vụ cho các đối tượng từ Trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, xã; cũng như mở rộng phạm vi toàn quốc.
Đến nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 10.000 huyện, xã (642 huyện, 9546 xã). Cơ sở y tế tuyến huyện đã thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh bằng siêu âm, trạm y tế xã thực hiện được kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 20% năm 2016 lên 56,43% năm 2019. Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 23% lên 40% năm 2019.
Ông Phạm Hồng Quân cho rằng, việc phê duyệt, triển khai các Chương trình, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” không chỉ mang giá trị nhân văn khi giúp nhiều trẻ em thoát khỏi dị tật suốt đời, đem lại hạnh phúc cho các gia đình; góp phần nâng cao chất lượng dân số, mà còn góp phần làm giảm chi phí xã hội, gánh nặng ngân sách y tế cho việc điều trị.
Hoàn thiện, phát triển mạng lưới rộng khắp
Thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg, ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, hiện nay Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang xây dựng, hoàn thiện Dự án "Hoàn thiện, phát triển mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh", trong đó nòng cốt là các Trung tâm sàng lọc khu vực thuộc các đơn vị: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương; Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Từ Dũ; Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ; Bệnh viện Sản - Nhi, Sở Y tế tỉnh Nghệ An; Bệnh viện A Thái Nguyên; Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, Trường Đại học Y - Dược Huế.
Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số Phạm Hồng Quân cho biết, các Trung tâm sàng lọc khu vực là đơn vị tuyến cuối xử lý về chuyên môn đối với tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; phụ trách hướng dẫn, thực hiện về chuyên môn cho tỉnh/thành phố mà đơn vị đóng trên địa bàn và các tỉnh/thành phố khác trong khu vực theo sự phân công của Bộ Y tế; đồng thời phụ trách về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ y tế cơ sở tham gia thực hiện chương trình và chuyển giao công nghệ…
Trung tâm sàng lọc khu vực còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đề xuất về kỹ thuật chuyên môn, quy trình thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; danh mục các mặt bệnh tật thuộc gói dịch vụ cơ bản và mở rộng; quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các cơ sở y tế theo cấp độ (khu vực - cấp tỉnh - huyện) tham gia thực hiện chuyên môn…
Theo ông Phạm Hồng Quân, hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng và năng lực chuyên môn cũng như chất lượng của các cơ sở y tế tham gia thực hiện về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tuy nhiên có thể nhận định là còn rất thiếu so với nhu cầu sàng lọc của người dân. Tại các vùng miền núi, dân tộc, vùng sâu, xa, khó khăn, các cơ sở y tế mới chỉ thực hiện được các dịch vụ cơ bản, như khám thai, chăm sóc thai nghén và thực hiện các xét nghiệm cơ bản trong quá trình thai kỳ của các bà mẹ.
Để sàng lọc trước sinh và sơ sinh thông qua các xét nghiệm kỹ thuật cao như lấy máu mẹ và mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh trong vòng 72 giờ vẫn do các Trung tâm sàng lọc khu vực phụ trách thực hiện. Ví dụ, 26 tỉnh phía Bắc sẽ do Bệnh viện Phụ sản Trung ương phụ trách; hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh do Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An phụ trách, các tỉnh Tây nguyên do Trường Đại học Y dược Huế phụ trách…
Ông Phạm Hồng Quân cho rằng, với nhiệm vụ giao việc hỗ trợ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các tỉnh nghèo thuộc miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, hai trung tâm sàng lọc đại diện cho vùng khó khăn sẽ được đưa thành các trung tâm sàng lọc là vệ tinh thuộc Bộ Y tế, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khi Dự án “Hoàn thiện, phát triển mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được Bộ Y tế phê duyệt, trung tâm sàng lọc của Bệnh viện A Thái Nguyên sẽ phụ trách các tỉnh miền núi phía Bắc, trung tâm sàng lọc Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ phụ trách thực hiện chuyên môn đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Việc hoàn thiện, phát triển, mở rộng mạng lưới sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi hơn.
Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp can thiệp