Tầm soát ung thư vì sức khỏe cộng đồng

Với chi phí rất thấp nhưng mang lại hiệu quả phòng và chữa bệnh cao, chương trình tầm soát ung thư cho người từ 40 tuổi trở lên đang được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm.

Sẽ nhân rộng trên toàn địa bàn


Theo khảo sát của ngành chức năng hiện nay, địa bàn Hà Nội có khoảng 2,8 triệu người từ 40 tuổi trở lên. Đây là độ tuổi được khuyến cáo nên sàng lọc ung thư đại trực tràng, tối thiểu mỗi năm thực hiện một lần.

Cán bộ y tế tư vấn, khám tầm soát ung thư vú cho phụ nữ. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thực tế việc tầm soát phát hiện ung thư sớm cần phải triển khai ở nhiều lĩnh vực. Trước đây, ngành Y tế đã triển khai tầm soát ung thư vú, cổ tử cung... Hiện nay, Hà Nội đang triển khai chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng cho người 40 tuổi trở lên. Đây là chương trình rất nhân văn. Nếu được phát hiện sớm, các trường hợp có biểu hiện ung thư sẽ được phẫu thuật sớm và đặc biệt dự phòng giảm biến chứng ung thư sau này, vừa giảm chi phí vừa tăng tuổi thọ cho người dân, giúp người bệnh có thể tham gia vào hoạt động của gia đình và xã hội.


Chương trình hiện nay đang được triển khai thí điểm tại phường Điện Biên và Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) và phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Dự kiến từ giữa tháng 3, sẽ bắt đầu nhân rộng trên toàn thành phố.


Quy trình xét nghiệm sàng lọc tầm soát ung thư sẽ bắt đầu từ khâu lấy mẫu phân của người tham gia sàng lọc được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, sau đó gửi tới Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội để xét nghiệm.


Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, công tác chuẩn bị được triển khai chu đáo, từ việc xây dựng kế hoạch đến triển khai trong ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của quận Nam Từ Liêm và phường Tây Mỗ là đơn vị được chọn làm thí điểm. Việc tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền trong nhân dân đã triển khai, bước đầu đã được người dân hưởng ứng. Tỷ lệ lấy mẫu phân xét nghiệm đạt cao.


Đây là chương trình y tế tự nguyện không bắt buộc cần sự tự giác của người dân. Về nguồn kinh phí thực hiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất cho phép Hà Nội được sử dụng tiền kết dư bảo hiểm năm 2016. Trong lúc đợi cơ chế tài chính, Hà Nội có thể chủ động huy động các nguồn vốn để triển khai chương trình.


Để triển khai chương trình, thành phố Hà Nội đã mua được 100.000 test để triển khai thí điểm sàng lọc ung thư đại trực tràng cho toàn bộ người dân có độ tuổi từ 40 trở lên trên địa bàn.


Chi phí thấp, hiệu quả phòng bệnh cao


Để hoạt động tầm soát ung thư đại trực tràng đem lại hiệu quả đến với tất cả người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Y tế cùng với hệ thống 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế, 52 phòng khám đa khoa và 584 trạm y tế phường, xã của Hà Nội triển khai chương trình này. Thông qua các bệnh viện, phòng khám, trung tâm và các trạm y tế phường, xã, người dân sẽ được lấy mẫu phân tại nhà rồi tập trung gửi đến Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội để xét nghiệm. Sau đó, kết quả sẽ được gửi về các cơ sở y tế địa phương đã thu thập mẫu. Toàn bộ quá trình xét nghiệm hoàn toàn tự động và mã hóa code cho từng mẫu để tránh nhầm lẫn tuyệt đối và bảo mật thông tin.


Về chi phí sàng lọc, lãnh đạo thành phố đã làm việc với cơ quan Bảo hiểm Y tế, thống nhất mức giá 63.200 đồng áp dụng cho người dân không có thẻ Bảo hiểm Y tế còn những trường hợp có thẻ được sàng lọc miễn phí.


Với sự ra đời của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội có hệ thống tầm soát ung thư tiêu hóa hiện đại có công suất 320 test/giờ, trong vòng 5 năm tới mỗi năm Hà Nội sẽ có khoảng 5.000 - 10.000 người được phòng ngừa bệnh ung thư và hàng nghìn người sẽ được chữa trị sớm, hoàn toàn có thể khỏi bệnh.


Theo các chuyên gia y tế, mỗi người từ khi hình thành polip trong đại trực tràng cho đến khi phát triển thành ung thư là quá trình kéo dài 10 - 15 năm. Chính vì vậy, việc phòng bệnh ung thư đại trực tràng cần làm từ sớm và thường xuyên, đặc biệt đối với những người có tiền sử gia đình hay cá nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay polip đại trực tràng dù đã được cắt bỏ hoặc người có tiền sử bệnh viêm ruột mạn tính như Crohn và viêm loét đại trực tràng, tiền sử gia đình có hội chứng đa polip, hoặc có các biểu hiện như đi ngoài ra nhầy máu hay phân sẫm màu, đau chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn phân, thiếu máu, sụt cân, đặc biệt ở những người từ 50 tuổi trở lên. 


Những trường hợp dương tính với test sàng lọc sẽ phải làm nội soi đại tràng. Đây là biện pháp tầm soát và chẩn đoán xác định bệnh tốt nhất. Trong quá trình nội soi có thể cắt bỏ luôn polip nếu có để phòng tránh phát triển thành ung thư.



Tuyết Mai (TTXVN)
'Thủ phạm' khiến tỷ lệ ung thư gan gia tăng
'Thủ phạm' khiến tỷ lệ ung thư gan gia tăng

Mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng, hầu hết những ca ung thư gan đều "từ miệng mà ra".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN