Tăng cường gắn kết việc nghiên cứu với ứng dụng các sản phẩm y dược cổ truyền

Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn kết quả nghiên cứu với phát triển sản phẩm trong thực tiễn là mắt xích quan trọng phát triển lĩnh vực y dược cổ truyền của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hội thảo Khoa học y dược cổ truyền lần thứ nhất. Ảnh: BYT

Ngày 30/10, Cục Quản lý Y – Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Y Dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất. Đây là hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực y dược cổ truyền của đất nước, giữ gìn bản sắc truyền thống, tính đặc thù cùng với hiện đại hóa nền y dược cổ truyền Việt Nam.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y- Dược Cổ truyền Việt Nam cho biết: Mặc dù được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư phát triển y học cổ truyền nhưng hiện nhận thức về y học cổ truyền vẫn chưa được thực sự coi trọng. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn kết quả nghiên cứu với phát triển sản phẩm trong thực tiễn cần phải được phát huy hơn nữa nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả về chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.

Theo đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực y dược cổ truyền cần chú trọng các giải pháp như: Đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường, đặc biệt là trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hóa thuật ngữ  của y học cổ truyền làm cơ sở cho đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng với hội nhập Quốc tế; chú trọng nghiên cứu ứng dụng phát triển chuỗi sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe con người đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thiết lập mô hình kết hợp ba nhà: Nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, các đơn vị cũng cần chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng… Muốn vậy, các đơn vị trong hệ thống y dược cổ truyền cần tăng cường tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực.

Với mong muốn đó, tại Hội thảo, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền đã có cơ hôi được công bố những kết quả nghiên cứu, đồng thời là nơi để kết nối các doanh nghiệp, mang đến những sản phẩm an toàn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng cho người sử dụng.

Hội thảo cũng đã nhận được 81 báo cáo tham luận, trong đó có 26 báo cáo kết quả nghiên cứu về lâm sàng, 15 báo cáo kết quả trong nghiên cứu điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, 12 báo cáo kết quả trong nghiên cứu thực nghiệm, 10 báo cáo kết quả về nghiên cứu bào chế, nghiên cứu về dược liệu và 18 báo cáo về kết quả nghiên cứu về chính sách, khảo sát, nghiên cứu lý luận. Bên cạnh các báo cáo kết quả nghiên cứu, các đơn vị, cá nhân còn có phần giới thiệu về công nghệ và quá trình hoạt động nghiên cứu của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y dược cổ truyền.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cố phần Dược Liệu Gia Định cho biết: Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là có thể đi sâu, kết nối các nhà khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển vùng dược liệu quy mô lớn phục vụ trong nước tiến tới xuất khẩu. Đây cũng là hướng mũi nhọn để phát triển vùng dược liệu cùng các hợp tác xã, các hộ dân ở vùng trồng. Về phía các viện nghiên cứu, trường Đại học cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên ngành giúp các  doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân nắm bắt thêm các kiến thức khoa học và cây dược liệu để có thể phối hợp tốt hơn.

“Để đẩy mạnh phát triển nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm dược liệu; chúng tôi phải kết hợp với các chuyên gia về kỹ thuật nông nghiệp và dược sĩ chuyên ngành dược liệu, thực hiện hướng dẫn, đào tạo về áp dụng GACP-WHO, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc trồng trọt, tưới tiêu, cải tạo đất... Ở mảng đông dược, khoa học công nghệ luôn là chìa khóa, dẫn lối cho chiến lược phát triển bền vững; cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc đông dược, doanh nghiệp cũng phải chú trọng thực hiện các nghiên cứu lâm sàng tại các bệnh viện đầu ngành”, đại diện Công ty Cổ phần Traphaco cho biết.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Nông dân ‘trúng đậm’ nhờ trồng cúc dược liệu
Nông dân ‘trúng đậm’ nhờ trồng cúc dược liệu

Chỉ trong 6 tháng trồng thâm canh cúc dược liệu, mỗi nông hộ ở xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) thu được lợi nhuận từ 10 - 17 triệu đồng/sào (360m2).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN