Xây nhanh “hàng rào” miễn dịch
Bệnh sởi đang có dấu hiệu lây lan và diễn biến phức tạp tại một số địa phương. TP Hồ Chí Minh vẫn đang là “điểm nóng” của dịch sởi. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, riêng trong tuần vừa qua, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 141 ca mắc sởi, tăng hơn 60,0% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố đã ghi nhận tổng số 967 ca mắc sởi. Các quận huyện có số ca mắc cao như: TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận Tân Phú, Quận 12…
Tại Hà Tĩnh cũng vừa xuất hiện ổ dịch với 23 ca mắc sởi trong cùng 1 xã. Tỉnh đang tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc để khoanh vùng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, những tuần gần đây Thành phố cũng đã ghi nhận rải rác số ca mắc sởi. Đơn cử như tuần vừa qua, toàn Thành phố đã có 4 ca mắc sởi, trong đó có 2 ca chưa tiêm chủng; tuần trước đó là 7 ca, trong đó có 5 ca chưa tiêm chủng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 17 trường hợp mắc sởi; trong đó chỉ trong 2 tuần gần đây đã có 11 ca. Số ca mắc sởi tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Dịch sởi cũng đang có diễn biến phức tạp tại các địa phương như: Đắk Lắk, Cần Thơ, Khánh Hòa… Theo đánh giá của Bộ Y tế, số ca bệnh sởi năm nay tăng mạnh, tính đến tháng 9 vừa qua, số ca bệnh sởi đã tăng gấp 8 lần so với năm 2023.
Trước tình hình nguy cơ dịch sởi lây lan, bùng phát; các địa phương đang nhanh chóng triển khai tiêm chủng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho trẻ theo kế hoạch tổ chức Chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi của Bộ Y tế.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi đạt 98% theo kế hoạch. Tính đến hết ngày 7/10, tổng số mũi tiêm vaccine sởi đã tiêm là 213.840 mũi; trong đó, đối tượng trẻ từ 1 - 5 tuổi đã tiêm được 44.525 mũi (đạt 96,95%), trẻ từ 6 -10 tuổi tiêm được 145.776 mũi (đạt 97,99).
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các quận, huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch. Đối với những quận, huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên, cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.
Tại Cần Thơ cũng đã bắt đầu triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi đợt 1 từ ngày 9/10, với 18.000 liều vaccine sởi đã được cấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, để triển khai Chiến dịch tiêm đợt 1, tỉnh tổ chức 481 điểm tiêm tại trường học (cơ sở giáo dục), cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ xã hội, mái ấm, các cơ sở y tế và trạm y tế tất cả các xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức điểm tiêm, quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine tại các đơn vị đảm bảo thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Ngành Y tế TP Cần Thơ đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các ban ngành liên quan, rà soát, lập danh sách trẻ từ 1 - 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi để đảm bảo số trẻ được tiêm trong đợt này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cũng phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện tổ chức các đoàn giám sát trước, trong và kiểm tra sau Chiến dịch.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã bắt đầu Chiến dịch tiêm vaccine sởi từ ngày 27/9, vaccine sởi – rubella được tiêm cho hơn 81.000 trẻ em và hơn 2.000 nhân nhân y tế có nguy cơ cao, đang khám và điều trị cho bệnh nhân sởi tại địa phương.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội, liên ngành Y tế - Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị về mọi mặt cho Chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi. Trong đó, việc đảm bảo công tác tiêm chủng được an toàn, hiệu quả và chất lượng là ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Vũ Cao Cương, Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi từ ngày 14/10 tới; tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Từ nay đến ngày 14/10, các đơn vị tập trung rà soát để 100% đối tượng trong diện tiêm chủng của chiến dịch được lập danh sách và thống kê theo quy định. Sở Y tế cũng tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn y tế cho các đơn vị về các nội dung: Điều tra đối tượng tiêm, cung ứng và bảo quản vaccine, tổ chức buổi tiêm chủng, giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.
Đồng thời, ngành y tế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của vaccine và tiêm chủng vaccine. Đặc biệt là tuyên truyền mục tiêu của Chiến dịch tiêm chủng vaccine Sởi để tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân, hướng tới đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch sởi.
Ngăn chặn dịch từ sớm
Trước nguy cơ dịch sởi bùng phát ở nhiều địa phương, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh sởi; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Về nguy cơ dịch sởi năm nay, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Ngay từ năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây, và nguy cơ lây lan dịch sởi trong trường học là rất cao.
Hiện tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh sởi khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Trước đó, Bộ Y tế đã có đánh giá nguy cơ dịch theo bộ công cụ do WHO cung cấp và xác định 18 tỉnh, thành phố với khoảng 100 huyện nằm trong khu vực có nguy cơ. Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine sởi - rubella miễn phí cho các đối tượng này.
Cũng theo ông Hoàng Minh Đức, chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng. Cụ thể, trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong chiến dịch thêm này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người.
Theo đó, bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Hiện bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi.
Để phòng chống dịch sởi, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo: Người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.