Tăng cường "vũ khí" chống dịch
Ghi nhận ngày 24/5, tại buổi triển khai tiêm lô vaccine COVID-19 đợt 3 mới được phân bổ, các cán y tế Bệnh viện Hữu Nghị đã được xếp lịch, bố trí thời gian để tham gia tiêm chủng ngay tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện.
Các bước tiêm chủng tại đây được bố trí thành các khu vực: Đăng ký, đo thân nhiệt, kiểm tra các thông số cơ bản; tư vấn khám sàng lọc và tiêm vaccine.
Là một trong những người đầu tiên đến tiêm từ sớm, Ths.BS Vũ Hoài Nam, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: “Ngay khi có thông tin được cấp thêm lô vaccine mới, tôi và các cán bộ y tế trong khoa đã ngay lập tức đăng ký. Nhân viên y tế là những người có nguy cơ rất cao bị lây nhiễm COVID-19, vì vậy, việc tiêm vaccine để phòng bệnh là vô cùng cần thiết. Tuy không chủ quan nhưng được tiêm phòng bệnh sẽ giúp nhân viên y tế tự tin hơn, cảm thấy an toàn hơn để có thể tiếp tục công việc khám chữa bệnh, nhiều nguy cơ”.
Chia sẻ tình hình sau khi tiêm, Ths.BS Vũ Hoài Nam cũng cho biết: “Tiêm xong tôi thấy hoàn toàn bình thường, tôi sẽ tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn sau tiêm. Bệnh viện đã chuẩn bị kỹ các tình huống xử trí các phản ứng sau tiêm, vì vậy bản thân các cán bộ y tế cũng tự lắng nghe, theo dõi; nếu sức khoẻ ổn định có thể tiếp tục bắt tay ngay vào công việc”.
Tại buổi tiêm chủng, các nhân viên y tế của Bệnh viện thay ca nhau đến tiêm, đảm bảo giãn cách và quy trình phòng dịch.
Trong đợt này, Bệnh viện Hữu nghị triển khai tiêm lô vaccine COVID-19 của AstraZeneca mới về cho các cán bộ, nhân viên và người lao động của Bệnh viện. Dự kiến sẽ có khoảng 450 nhân viên của bệnh viện được tiêm; phân chia thành nhiều ngày tiêm. Trước khi tiêm, các cán bộ y tế đều được thăm khám sàng lọc và được Tổ tiêm vaccine tư vấn, hướng dẫn về các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm như: Sốt, mệt mỏi, đau cơ...
Ths.BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết: “Tổ tiêm vaccine của bệnh viện đã lên kế hoạch cụ thể, bố trí mỗi ngày tiêm cho khoảng 20- 30 nhân viên y tế để đảm bảo giãn cách trong phòng chống dịch và đảm bảo tính an toàn sau khi tiêm. Sau khi tiêm, người tiêm được theo dõi chặt chẽ trong khoảng 30 phút ngay tại khu vực tiêm và theo dõi các triệu chứng tiếp theo trong 24 giờ khi trở về nhà”.
“Chúng tôi cũng đã lên sẵn các phương án, như chống sốc, chuẩn bị sẵn thuốc để phòng các trường hợp sốc phản vệ cấp tính, đồng thời bố trí khu vực để theo dõi cho những người sau tiêm trong vòng 30 phút để đảm bảo an toàn”, BS Nguyễn Đặng Khiêm cho biết.
Cũng theo BS. Nguyễn Đặng Khiêm, tiêm vaccine chính là tạo thêm lá chắn trước sự tấn công của dịch bệnh COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch như hiện nay với tốc độ lây nhiễm nhanh và đã có nhiều ca bệnh trong cộng đồng; việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là một vũ khí hữu hiệu để tạo hàng rào miễn dịch. Đặc biệt, với các cán bộ y tế là lực lượng có nguy cơ cao nhất, việc tiêm vaccine phòng bệnh lại càng quan trọng. Trong cộng đồng, lượng người tiêm vaccine càng nhiều thì hàng rào phòng bệnh càng vững chắc. Mỗi một người được tiêm vaccine là thêm 1 chiến sĩ để chống lại COVID-19.
Sàng lọc kỹ, tránh lây nhiễm trong bệnh viện
Bên cạnh trông chờ vào “vũ khí” vaccine, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, môi trường nguy cơ như bệnh viện cũng luôn trên tinh thần cảnh giác cao độ.
Trong đợt dịch thứ 4, ngay tại Bệnh viện Hữu Nghị, nhờ khâu sàng lọc đã kịp thời phát hiện ra 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và kịp thời khoanh vùng, không để lây lan cho cán bộ y tế, và không lan ra cộng đồng. Đó là nhờ có sự có chuẩn bị đầy đủ, công tác chống dịch được triển khai nghiêm túc. Cũng sau khi ghi nhận 2 ca mắc COVID-19, các biện pháp phòng chống dịch tại Bệnh viện cũng được đẩy lên mức tối đa.
Theo BS. Nguyễn Đặng Khiêm, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã xác định có thể gặp ca bệnh ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là tại các bệnh viện, phòng khám… Vì vậy chúng tôi luôn phải đề cao cảnh giác. Bệnh viện đã thiết lập các chốt sàng lọc với 4 lớp: Ngay từ cổng bệnh viện, người dân đến phải khai thác tiền sử dịch tễ, khai thác triệu chứng, lý do bệnh nhân phải đi khám, nếu có yếu tố nghi ngờ bệnh nhân được đưa vào khu khám sàng lọc; nếu để lọt ở lớp thứ nhất sẽ tiếp tục được sàng lọc 3 lớp sau tại khoa Cấp cứu và các khoa, phòng. Vào đây bệnh nhân vẫn tiếp tục được khai thác tiền sử, khai thác triệu chứng, nếu nghi ngờ sẽ đưa vào cách ly ngay lập tức. Nhờ đó, vừa qua tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện đã ghi nhận 2 ca dương tính nhưng số lượng nhân viên tiếp xúc rất ít, không ảnh hưởng đến hoạt động của khoa phòng, vẫn đảm bảo công tác phục vụ bệnh nhân.
Hiện tại, Bệnh viện Hữu Nghị thường xuyên tiến hành sàng lọc tất cả các bệnh nhân nội trú, người nhà; hạn chế người ra vào bệnh viện, chăm nuôi bệnh nhân. Người chăm sóc bệnh nhân cũng được thường xuyên được xét nghiệm sàng lọc.
Việc xét nghiệm cũng được thực hiện tại chỗ với 2 phương pháp: Test nhanh kháng nguyên, nếu nghi ngờ sẽ thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp Genexpert có độ nhạy rất cao.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã có phương án phục vụ suất ăn ngay tại buồng phòng để người nhà hạn chế ra ngoài, tránh mang mầm bệnh vào trong khu vực bệnh viện.