Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để khống chế dịch sốt xuất huyết

Ngày 6/3, tại xã Vĩnh Lương (Nha Trang) đã diễn ra Lễ triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia dự phòng lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH).

Buổi lễ có sự tham dự của GS. TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Giám đốc Dự án,TS. Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, BS. Lâm Quang Chứng – Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, các chuyên gia đến từ Đại học Monash (Australia), cùng đông đảo người dân địa phương.


GS. TS. Đặng Đức Anh cho biết, kết quả lấy phiếu đồng thuận ở 370 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên, 100% hộ gia đình đã đồng ý với việc thả muỗi vằn mang Wolbachia tại khu vực.

Lễ triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia dự phòng lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

“Sau khi dự án thí điểm thả muỗi Wolbachia ở đảo Trí Nguyên kết thúc với những kết quả khả quan, từ năm 2015, chúng tôi đã bắt đầu các nghiên cứu mô tả tình hình SXH, đặc điểm quần thể muỗi và cộng đồng dân cư tại Nha Trang, đồng thờilàm việc với các cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị đối tác và hôm nay bắt đầu triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia trên đất liền tại xã Vĩnh Lương. Chúng tôi hy vọng phương pháp này không chỉ giúp khống chế dịch SXH ở Vĩnh Lương mà sẽ còn được nhân rộng ở các địa phương có dịch SXH lưu hành trên toàn quốc”, GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.


Còn theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nha Trang: “Lãnh đạo địa phương là luôn hoan nghênh, tạo điều kiện để các nhà khoa học ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo hướng an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường,… nhằm góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân và xã hội. Chúng tôi rất ủng hộ và mong đợi việc triển khai Dự án sẽ đạt kết quả tốt tại xã Vĩnh Lương trong năm nay và sẽ tiếp tục triển khai ở một số phường, xã khác của TP. Nha Trang trong những năm tiếp theo, để góp phần từng bước khống chế dịch bệnh SXH tại địa phương.”

Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia dự phòng lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

Cũng tại buổi lễ, bà Megan Woolfit – chuyên gia đến từ Đại học Monash (Australia), đơn vị tài trợ Chương trình Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam chia sẻ: “Chương trình của chúng tôi đã có thời gian dài cùng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Trên thực tế, vào năm 2006 Việt Nam là nước đầu tiên tham gia cùng Australia triển khai các nghiên cứu để ứng dụng phương pháp này trong cộng đồng. Kể từ đó đến nay Chương trình của chúng tôi đã có những bước tiến lớn với tổng số 11 nước trên thế giới đã tham gia chương trình, với mục tiêulàm giảm lây truyền SXH Dengue, Zika và các bệnh khác truyền qua muỗi vằn. Kể từ khi kết thúc thả muỗi mang Wolbachia trên đảo Trí Nguyên vào năm 2014, các đối tác của chúng tôi thực hiện Dự án tại Việt Nam, gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hoà đã rất thận trọng chuẩn bị cho việc thả muỗi mang Wolbachia lần đầu tiên trên đất liền tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến bước tiến triển mới này của Dự án tại Nha Trang”.


Ngay trong buỗi lễ, các đại biểu đã cùng với cán bộ Dự án tiến hành thả muỗi vằn mang Wolbachia nhằm phòng bệnh SXH trong cộng đồng tại thôn Võ Tánh 1.Đđội ngũ cán bộ thực địa của dự án cũngc thực hiện việc thả muỗi tại các điểm khác thuộc 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương để hoàn thành đợt thả đầu tiên trong buổi sáng ngày 6/3/2018. Trong 12-18 tuần tiếp theo, cứ mỗi tuần, Dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô 50m x 50m đã được chia sẵn theo bản đồ.


Trong thời gian thả muỗi vằn mang Wolbachia, Dự án sẽ tiếp tục công tác truyền thông và tham vấn cộng đồng. Bên cạnh đó, việc theo dõi quần thể muỗi và giám sát tình hình bệnh SXH trong cộng đồng sẽ được duy trì thường xuyên, lâu dài. Dựa trên những đánh giá khoa học toàn diện về tính an toàn tại Australia, Việt Nam, và Indonesia cũng như kết quả từ hơn 10 năm nghiên cứu ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới, phương pháp sử dụng muỗi vằn mang Wolbachia đã được khẳng định là an toàn cho con người, động vật và môi trường.

PV/ Báo Tin tức
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch sốt xuất huyết
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Miền Bắc đang bước vào mùa đông nên dịch sốt xuất huyết có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thời điểm này đang là cao điểm về sốt xuất huyết ở khu vực miền Nam và miền Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN