Ngày 23/11, tại buổi tập huấn “Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ” do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, TS. BS Nguyễn Bá Thắng, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội thần kinh Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, cho biết những bệnh nhân bị đột quỵ ngoài biện pháp ban đầu là cấp cứu, những di chứng sau này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phục hồi chức năng tốt. Những bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân mang ý nghĩa rất lớn, giúp người bệnh có thể sinh hoạt độc lập, sớm hòa nhập với cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bệnh nhân sau xuất viện thường tự tập ở nhà, nhờ người thân tập giúp hoặc thậm chí không tập gì điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phục hồi của bệnh nhân. “Nếu tập đúng phương pháp thì khả năng phục hồi của bệnh nhân rất cao. Còn nếu tập không đúng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng như cứng cơ, co rút cơ, mất chức năng vận động, không thể nào hòa nhập lại với cuộc sống rất nhiều”, TS. BS Nguyễn Bá Thắng cho biết.
Theo thống kê, chỉ 25-30% người sau đột quỵ có thể tự đi lại phục vụ chính mình, 20-25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày và 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, tại Việt Nam hiện chưa có nhiều trung tâm tiếp nhận bệnh nhân sau đột quỵ về để phục hồi chức năng. Một số nơi có tiếp nhận nhưng số lượng không đủ và không phủ khắp các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh.
Còn tại các bệnh viện, việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân đến phục hồi chức năng khá khó khăn vì diện tích không nhiều, phòng chức năng cũng không đủ rộng để chứa được nhiều bệnh nhân.
Theo các chuyên gia y tế, thông thường bệnh nhân ở khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ quay trở lại tập phục hồi chức năng, còn các bệnh nhân ở nơi khác rất ít quay lại tập. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ đến nhà hỗ trợ, nhưng phụ thuộc vào hoàn cảnh bệnh nhân vì tốn chi phí.