Nhiều người chưa hiểu ý nghĩa mũi tiêm nhắc lại
Tại buổi cung cấp thông tin của Bộ Y tế ngày 27/6, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo có vaccine COVID-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vaccine đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vaccine ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7, thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời, ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lý người dân chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhiều địa phương.
“Hiện có tình trạng nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã có miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết; nhiều người đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng COVID-19, cũng không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo (theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc). Ở một số nơi, một số điểm tiêm chủng, lọ vaccine đã mở ra rồi nhưng người dân không đến tiêm hoặc khi cán bộ đến đưa giấy mời đi tiêm thì người dân từ chối. Nhiều người vẫn chưa xác định được tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng bệnh, chưa hình dung được đầy đủ thông tin về việc miễn dịch sau mắc COVID-19 là không bền vững và vẫn cần phải tiêm nhắc lại. Đây là điều thách thức rất lớn trong việc bao phủ các mũi tiêm để hướng tới cộng động có miễn dịch cao nhất”, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết.
Về việc một số địa phương yêu cầu người dân ký cam kết không tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Tiêm vaccine COVID-19 là yêu cầu trong phòng chống dịch, người dân cần đi tiêm vaccine đúng lịch, đúng liều. Việc ký cam kết giữa hai bên là thể hiện trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của các bên là cần thiết, đặc biệt là chính quyền với người dân trong hoạt động phòng chống dịch.
Về tình trạng dư thừa vaccine, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, hiện việc cung ứng vaccine để tiêm cho người dân đang được đảm bảo đủ, không có hiện tượng dư thừa.
“Vũ khí” trước các biến chủng mới
Theo Bộ Y tế , việc tiêm các mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 (mũi 3, mũi 4) là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh; đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Vì vậy, người dân cần thiết phải tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả của vaccine phòng COVID-19.
Đánh giá về hiệu quả của vaccine trên thực tế thời gian qua, TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Vaccine là vũ khí chiến lược trong phòng chống COVID-19. Con số thực tế cho thấy, từ 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 32.000 ca tử vong do COVID-19. Qua phân tích, trong số này chỉ có 7,3% số người được tiêm 2 mũi vaccine; số chưa được tiêm chiếm tới 52,8% trong số tử vong. Qua đây có thể thấy hiệu quả vaccine đã rõ ràng. Khi có vaccine, người dân nên đi tiêm và tiêm đầy đủ các mũi phòng bệnh”.
Theo đó, riêng với mũi nhắc lại thứ 1 (mũi 3) vaccine phòng COVID-19, kể từ khi triển khai tiêm nhắc lại đến nay, đã quá thời điểm cho thấy hiệu quả của vaccine, người dân cần được tiêm đầy đủ.
Công bố của các nghiên cứu uy tín trên thế giới về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho thấy; sau 3 tháng sau tiêm, vaccine đã giảm hiệu lực bảo vệ, thậm chí sau đó có thể giảm chỉ còn 20%. Vì vậy việc tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) là rất quan trọng, giúp duy trì, củng cố miễn dịch phòng bệnh.
Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, hiệu quả bảo vệ của mũi thứ 4 giúp tỷ lệ bảo vệ khỏi mắc bệnh khoảng 50%, bảo vệ khỏi các triệu chứng khi mắc là 61%, bảo vệ khỏi diễn biến nặng nặng là 72%; bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong tới 76%.
Theo TS. Vương Ánh Dương, thời điểm này, rất cần ưu tiên việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; nhất là với những người có suy giảm miễn dịch thể vừa và nặng; người có nguy cơ phơi nhiễm cao…
Đặc biệt, với trẻ em, nhiều người dân tỏ ra chủ quan khi tỷ lệ mắc ở trẻ thấp hơn người lớn, cho rằng triệu chứng ở trẻ nhẹ hơn, nguy cơ diễn biến nặng thấp hơn. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ mắc COVID-19, diễn biến nặng, thậm chí tử vong là vẫn xảy ra, có tỷ lệ nhất định trong thời gian qua. Đặc biệt, trẻ em sau mắc COVID-19 sau 2- 4 tuần cũng có nguy cơ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), là hội chứng có diễn biến bệnh cảnh nặng có thể gây tổn thương trên các cơ quan như: Tiêu hóa, hô hấp, tim mạch…
“Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận khá nhiều ca bị hội chứng MIS-C; trong đó 149 ca chưa tiêm vaccine COVID-19. Điều này cho thấy việc tiêm không chỉ ở người lớn mà ở trẻ tiêm theo khuyến cáo cũng rất quan trọng, cần thiết. Cha mẹ cần cố gắng cho trẻ đi tiêm kịp thời”, TS. Vương Ánh Dương khuyến cáo.