Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, lúc 16 giờ 20 phút, ngày 15/4, Bệnh viện Quân - Dân y tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận sản phụ P.T.T.N (sinh năm 2002) ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Lúc vào viện, sản phụ được chẩn đoán là theo dõi thai có nguy cơ cao, con so - thai 37 tuần, ngôi mông, chuyển dạ sinh. Sản phụ được phẫu thuật lấy thai (bé trai nặng 2,8 kg) thành công lúc 2 giờ 30 phút ngày 16/4. Đến 0 giờ 30 phút ngày 18/4, người nhà của bé sơ sinh phát hiện bé tím tái toàn thân, không phản xạ, ngưng tim, ngưng thở; miệng, mũi đầy dịch.
Giám đốc Bệnh viện Quân - Dân y tỉnh Đồng Tháp Dương Quốc Định cho biết, ngay khi xảy ra sự cố, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện nhanh chóng xử trí, hút đàm nhớt, dịch ra; đặt nội khí quản. Thấy dịch trong nội khí quản, các y, bác sĩ tiến hành hút dịch qua nội khí quản, bóp bóng; xoa bóp tim ngoài lồng ngực; dùng thuốc vận mạch theo phác đồ cấp cứu. Tuy nhiên, sau 30 phút hồi sức, tình trạng bé không cải thiện. Đơn vị kết luận sơ bộ: Tử vong sơ sinh nghi suy hô hấp cấp do hội chứng hít dịch tiêu hóa của trẻ sơ sinh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin, sáng 19/4, đại diện các đơn vị: Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Quân - Dân y tỉnh Đồng Tháp có cuộc họp kiểm thảo tử vong đối với trường hợp trên. Sau khi thảo luận cùng bác sĩ chuyên khoa Hồi sức nhi - sơ sinh, chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Hội đồng Kiểm thảo tử vong Bệnh viện Quân - Dân y tỉnh Đồng Tháp có kết luận chung là tử vong sơ sinh nghi do hội chứng hít của trẻ sơ sinh biến chứng suy hô hấp cấp.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, nhịp thở của trẻ sơ sinh rất nhanh, rất dễ bị rối loạn nhịp thở và tắc nghẽn hô hấp cấp. Lúc xảy ra sự cố, bệnh viện đã tuân thủ quy trình cấp cứu, thực hiện đầy đủ các khâu. Khi phát hiện, trẻ đã tím tái toàn thân, không phản xạ, ngưng tim, ngưng thở nên bệnh viện ưu tiên thực hiện quy trình cấp cứu vì không có đủ thời gian để hội chẩn hay chuyển lên tuyến trên. Sau vụ việc đáng tiếc này, ngành Y tế sẽ tiếp tục quan tâm chấn chỉnh công tác chuyên môn về cấp cứu sản, nhi.
Qua vụ việc, ông Đoàn Tấn Bửu khuyến cáo, người thân của các sản phụ cần cập nhật kiến thức thường quy về cấp cứu sản, sơ sinh. Người nhà cũng như mẹ của trẻ sơ sinh phải thường xuyên chăm sóc, theo dõi nhằm kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để nhanh chóng thông báo cho cán bộ, nhân viên y tế có biện pháp xử trí, bởi trong thời gian khoảng 30 ngày sau sinh thường dễ xảy ra những tai biến đối với trẻ sơ sinh.