Kỹ thuật ghép tạng đỉnh cao
Mới sau ghép phổi 3 tuần, bệnh nhân P.A.T (nữ, 21 tuổi) đã có thể tự thở được bằng lá phổi mới từ người chết não hiến tặng; hít thở đều theo nhịp hướng dẫn của bác sĩ khám, cô tự tin vô cùng.
Bệnh nhân đã hồi phục ngoạn mục ngoài sức tưởng tượng của các y, bác sĩ. Các chức năng hô hấp, tim mạch của bệnh nhân gần như trở về bình thường. Bệnh nhân đã có thể đi lại không cần người dìu, không còn phải phụ thuộc vào máy thở oxy; điều mà trước đây cô không thể hình dung được.
Trước khi may mắn nhận được lá phổi từ người chết não hiến tặng, bệnh nhân P.A.T là sinh viên của một trường đại học nhưng phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng suy hô hấp của T. rất nặng, cả 2 lá phổi đã tổn thương nghiêm trọng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng nếu không được ghép phổi. P.A.T đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020, chờ ghép phổi.
Khoảng 13 giờ ngày 8/2/2024, sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm. Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động ekip hùng hậu, đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội... cùng tham gia ca phẫu thuật.
Ca phẫu thuật ghép phổi đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF, thêm một thành công lớn về kỹ thuật ghép tạng của Bệnh viện Phổi Trung ương. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
Trước đó, Bệnh viện Phổi Trung ương đã từng phối hợp với nhiều bệnh viện khác thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi, trong đó có ca bệnh ghép 2 lá phổi cho người đàn ông 56 tuổi, ở Thanh Hoá, được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam với thời gian sống lâu nhất.
Với những thành công này, chương trình ghép phổi của Việt Nam được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành tựu kỹ thuật ghép phổi của Việt Nam đã cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được. Các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi sẽ tiếp tục phát triển được như các nước phát triển. Những thành công gần đây cho thấy, Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, mang lại những giá trị to lớn cho sức khoẻ người bệnh và nhân dân.
Ngoài ghép phổi là kỹ thuật khó hàng đầu, tính đến nay, Việt Nam đã có rất nhiều ca ghép tạng thành công; trong đó có nhiều ca được đánh giá rất cao, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Đơn cử vừa qua là các ca ghép phổi, ghép tim, ghép đa tạng cùng lúc đã hồi sinh cho rất nhiều người bệnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã phát triển nhưng song song với đó cần có nguồn tạng hiến dồi dào để đẩy mạnh kỹ thuật cao này. Điều này phụ thuộc vào nhận thức của người dân và các chính sách về hiến - ghép mô tạng.
Cần mở rộng hành lang pháp lý
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, việc vận động hiến mô tạng có sự chỉ đạo chung; ngành y tế rất mong muốn thành lập các chi hội ở các bệnh viện để có sự tiếp xúc với các trường hợp đủ điều kiện có thể hiến tạng cứu người. Các bác sĩ là người gần gũi với bệnh nhân sẽ là người dễ vận động gia đình người bệnh nhất; không gì làm phúc tốt hơn là cứu người, mang lại mạng sống cho con người.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng: “Việt Nam hiện có hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép thận, gan, tim, phổi…, nhu cầu về ghép mô, tạng rất cao. Nguồn tạng từ người cho chết não, ngừng tim đã mang lại lợi ích và ý nghĩa cho xã hội. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, truyền thống nên nguồn tạng được hiến từ người chết não ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với thế giới. Hiện mỗi năm Việt Nam mới chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, con số quá ít ỏi. Đơn cử như tại Trung Quốc, tỷ lệ người hiến tạng từ chết não và chết tim đạt tỷ lệ gần 36%, còn lại là từ nguồn người cho sống; trong khi tại Việt Nam, chỉ mới có khoảng 5% nguồn hiến tạng từ người cho chết não, gần 95% còn lại từ người cho sống”.
Theo PGS. Đồng Văn Hệ, Việt Nam đã có Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não mà chưa đề cập đến việc hiến mô tạng từ người chết tim. Trong khi đó, nguồn hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam khá tiềm năng. Hiện nhiều nước trên thế giới, nguồn hiến mô tạng từ người chết tim khá lớn. Nguồn hiến tạng, hiến mô từ người chết tim cần phải được chúng ta quan tâm, cụ thể hóa để đưa vào Luật Hiến ghép mô tạng và xây dựng quy trình cụ thể.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay cần đề xuất bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật, cùng với đó là xây dựng hoàn chỉnh chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn y khoa, tài chính là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô - tạng bảo đảm tính minh bạch, công bằng.
Đồng thời, cần sớm sửa đổi bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; xác định rõ hiến tạng là quà tặng sự sống, là tài sản quốc gia, không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào; xây dựng gói chi phí điều phối, xây dựng giá gói dịch vụ ghép tạng... và chỉ tiến hành ghép cho những người đã có tên trong danh sách chờ ghép Quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tuân thủ tuyên bố Istabul về phòng chống buôn bán tạng và du lịch ghép tạng...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngành y tế cũng mong muốn, quyết tâm để tiếp tục phát triển kỹ thuật cấy ghép mô tạng, cứu sống nhiều người bệnh đang mong mỏi. Đặc biệt là rà soát các quy định, quy trình để có hành lang pháp lý tốt nhất cho hoạt động hiến- ghép tạng.
Cùng với đó, là sự quan tâm tới việc đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ các y bác sĩ, để có trình độ đạt tiêu chuẩn quốc tế để có thể triển khai một cách thành công nhất; tiếp cận, hội nhập quốc tế để rút ngắn những khoảng cách, quy trình trong lĩnh vực ghép tạng.
Tuy nhiên, “trăm hay không bằng tay quen”, hiện chúng ta không thể làm đại trà, không thận trọng mà phải có sự nghiên cứu để quy hoạch lĩnh vực này trở nên mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế.