Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm; công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm… cũng như thông báo của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trong đó nhấn mạnh nội dung: Người đứng đầu các cấp, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp). Trong đó tập trung vào đối tượng là cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất...
Đồng thời chú ý kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, hoặc hỗ trợ người dân trong mùa nắng nóng, mùa mưa, lũ nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên liên tục các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của địa phương (sử dụng tiếng dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc, chú ý cả các vùng sâu, vùng xa).
Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; Thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải đảm bảo sạch hoặc được khử trùng, đặc biệt là trong thời gian nắng nóng, mưa, lũ.
Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao, Bộ Y tế nhấn mạnh cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lũ trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế.
Bộ Y tế nêu rõ, khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, nhanh chóng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, đồng thời phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ngộ độc thực phẩm, yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi hoạt động trở lại. Thực hiện điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xác định rõ nguyên nhân và tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đến cùng; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, công khai kết quả để cảnh báo cho cộng đồng.
5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, có nhiều vụ tương đối lớn làm 2.100 người mắc, hàng trăm người phải nhập viện; gần 1/3 số vụ ngộ độc xảy ra nguyên nhân được xác định là do vi sinh vật... ; 6 trường hợp tử vong.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, khi thực hiện truy xuất nguồn gốc cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau một số vụ ngộ độc thực phẩm phát hiện một số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi bên ngoài…