Đầu tháng 9/2021, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, nhận nhiệm vụ, TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý, Chánh văn phòng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), Tổ trưởng “Tổ Biên tập tài liệu hướng dẫn sử dụng y dược cổ truyền để nâng cao sức khỏe phòng chống dịch COVID-19” đã cùng các đồng nghiệp, phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu các tài liệu để tìm ra những bài thuốc y học cổ truyền phù hợp nhất, hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19.
“Dựa trên những kết quả của việc ứng dụng y học cổ truyền triển khai trước đó, nhóm chúng tôi làm việc bất kể đêm ngày; biên tập, đưa ra phác đồ và xin ý kiến chỉ trong thời gian rất ngắn”, TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý chia sẻ.
Khi dịch diễn biến phức tạp cũng là lúc phải tìm ra các “vũ khí” chống lại một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Có những ngày cả Tổ nghiên cứu phải ở lại cơ quan làm việc xuyên đêm, sau ca làm việc chính trong ngày, là lúc “tranh thủ” tìm đọc tài liệu, nghiên cứu các bài thuốc cổ, trao đổi với các chuyên gia để tìm ra những vị thuốc, phương pháp phù hợp nhất.
“Vì COVID-19 được xếp vào loại ôn bệnh, ôn dịch, nên nghiên cứu chủ yếu tập trung vào phòng và điều trị các triệu chứng”, TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý giải thích.
Sau gần một tháng khẩn trương làm việc, cuối tháng 9/2021, các bài thuốc y học cổ truyền đã được xây dựng thành phác đồ cụ thể dùng cho phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19. Quyết định 4539 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời sử dụng y, dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19 ra đời. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và các đơn vị nhanh chóng tập huấn cho tất cả các địa phương để triển khai cho phù hợp với thực tiễn.
Các bài thuốc được áp dụng từ phòng đến hỗ trợ điều trị; từ các bài thuốc dùng ngoài như: Xịt phòng, xông họng, xịt họng… đến các bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng ho, viêm phổi… Bởi virus SARS-CoV-2 thường tập trung ở vùng hầu họng nên khi áp dụng các bài thuốc dùng trong súc miệng, xịt họng sẽ giảm bớt nồng độ, độc lực, giảm tác hại, biến chứng của virus.
Một số bài thuốc đã được chọn đưa vào dùng phổ biến hiện nay như: Nhân sâm bại độc tán, Ngọc bình phong tán, Sâm tô ẩm… đã được triển khai, đánh giá phát huy tác dụng tốt trong phòng và điều trị với người bệnh COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: “Ngay từ tháng 3/2020, khi Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô cấp do SARS-CoV-2; Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã họp và thảo luận với các đơn vị về việc chọn lựa các thuốc và các sản phẩm y học cổ tryền có tác dụng trong phòng, hỗ trợ điều trị, nâng cao sức khoẻ cho người bệnh trước trong và sau điều trị SARS-CoV-2. Chúng tôi đã thành lập Hội đồng chuyên môn về y học cổ truyền để xây dựng phác đồ hỗ trợ điều trị COVID-19. Trong giai đoạn đầu, số lượng bệnh nhân COVID-19 ít nên các bài thuốc y học cổ truyền chưa áp dụng nhiều. Tuy nhiên, từ khi đợt dịch thứ 4 xảy ra mạnh, lan rộng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, sau đó là các tỉnh phía Nam; được Bộ Y tế huy động, các bài thuốc y học cổ truyền đã được tiếp tục cập nhật và ứng dụng rộng rãi, cho hiệu quả đáng kể”.
“Phản hồi từ các cơ sở y tế phía Nam điều trị COVID-19 cho thấy, khi được dùng các sản phẩm y học cổ truyền ngay từ giai đoạn đầu, bệnh nhân giảm bớt triệu chứng nhanh, giảm được chuyển nặng; nhiều người ngay sau khi test ra dương tính hoặc khởi sốt mà được sử dụng ngay các bài thuốc y học cổ truyền thì khoảng 3 ngày sau các triệu chứng như: Sốt, ho, mất vị giác… đã giảm và không bị chuyển nặng. Về hiệu quả của các bài thuốc, chúng tôi vẫn đang tiếp tục có nghiên cứu, đánh giá thêm”, TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý cho biết.
Theo Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh, Viện đã sử dụng kết hợp sản phẩm Nhân sâm bại độc cho hơn 600 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 của TP Hồ Chí Minh trong 14 ngày; kết quả đã giảm rất nhanh các triệu chứng như: Đau họng, sốt, đau mỏi cơ xương khớp, sổ mũi, thời gian xuất viện sớm hơn không dùng thuốc trung bình khoảng 2 ngày. Tại Khu cách ly 3B Lê Quý Đôn (TP Hồ Chí Minh), Viện đã sử dụng bài thuốc Huyết phủ trục ứ trong 3 ngày, kết quả cho thấy bệnh nhân bớt mệt, bớt nặng ngực, bớt khó thở, nhất là trên người bệnh lớn tuổi. Đặc biệt phương pháp 4T gồm: Tâm lý- Thức ăn-Tập luyện và Thuốc y học cổ truyền áp dụng tại một số cơ sở đã cho thấy có kết quả rất tốt, cải thiện rõ rệt các triệu chứng cảm, ho... trên người bệnh COVID-19.
Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh cũng áp dụng điều trị cho những trường hợp F0 và nhất các trường hợp phục hồi sau bị bệnh COVID-19 bằng y dược cổ truyền; nhiều người sau mắc COVID-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày.
“Phác đồ cũng liên tục cập nhật chỉnh sửa để các phiên bản sau hoàn thiện hơn, bổ sung kiến thức mới từ thực tiễn”, TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý chia sẻ.