Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các vật dụng sử dụng điện trong nhà, người dân cần thường xuyên kiểm tra, tránh tình trạng bị hư hỏng, hở, rò rỉ nguồn điện ra bên ngoài. Khi tiến hành sửa chữa điện cần ngắt hết nguồn điện, sử dụng bao tay, chân mang dép trong suốt quá trình sửa điện.
Trường hợp phát hiện có người bị điện giật cần đưa ra khỏi vị trí nguy hiểm, thực hiện cấp cứu ngừng tim ngay lập tức bằng cách ép tim ngoài lồng ngực cho người bệnh và gọi cấp cứu hỗ trợ. Trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện, nếu người bệnh chưa hồi tỉnh, cần đảm bảo duy trì ép tim ngoài lồng ngực liên tục. Có thể kết hợp thổi ngạt đúng cách (nếu biết) hoặc chỉ cần đảm bảo ép tim liên tục là đã góp phần tăng khả năng hồi phục và giảm nguy cơ tổn thương não, giúp người bị điện giật có khả năng sống cao hơn.
Đồng thời, người thân cần chú ý kiểm tra các chấn thương kèm theo do té ngã sau khi nạn nhân bị điện giật, nhất là chấn thương cột sống cổ. Khi vận chuyển, nên để người bệnh nằm thẳng kèm theo cố định cột sống cổ, nếu không có phương tiện chuyên dụng, có thể dùng gối hoặc khăn vải cuộn tròn chèn 2 bên cổ tránh di động đầu cổ nhiều; không nên vác, xốc người bệnh nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống.
Mới đây, ngày 19/9, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân T.N.T.T., (15 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn trước đó khoảng 20 phút. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân ở trọ cùng 2 người bạn, trong quá trình xuống cầu thang tại phòng trọ, em T. bất ngờ bị ngã xuống đất, không may bàn tay phải đụng vào đoạn dây điện hỏng nên bị điện giật.
Thấy vậy, bạn cùng phòng nhanh chóng dùng cây chổi gạt đoạn dây điện ra; phát hiện em T. đã bị ngưng tim, tiến hành ép tim và đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đã ngưng hô hấp tuần hoàn và nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, cấp cứu ngưng thở, ngưng tim cho bệnh nhân. Khoảng 3 phút sau, bệnh nhân có tim trở lại, được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng hôn mê sâu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh nhân tiếp tục được hỗ trợ thở máy, huyết áp, hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não. Do bệnh nhân có ngưng tim và hôn mê sâu nên các bác sĩ sử dụng máy hạ thân nhiệt để giữ nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân ở mức 34 độ C trong 3 ngày liên tiếp. Sau 3 ngày, nâng nhiệt độ lên dần và ngưng dùng máy sau 5 ngày.
Bác sĩ Ngô Thái Bình, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến ngày 30/9, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định. Bệnh nhân đã cai được máy thở, tự thở được, tay chân cử động được, có phản xạ đau, phản xạ ho, tiếp tục được điều trị oxy cao áp và tập phục hồi chức năng tại bệnh viện. Dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong tuần tới.