Số liệu phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số ước tính. Như vậy sẽ có 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Đánh giá dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp. Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có, đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng, chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.
Nhằm tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với phòng, chống lao, Chương trình Chống lao Quốc gia đang triển khai nhiều sáng kiến tiếp cận kỹ thuật mới, mang tính chiến lược, bao gồm hoạt động phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp tại cộng đồng, cơ sở y tế.
Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Việt Nam có số ca nhiễm lao đang phải điều trị, theo dõi cao, số mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn. Do đó, việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. Đây là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, đủ năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết luôn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao.
Chương trình Chống lao quốc gia đã nỗ lực duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Hiện nay, 51/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Chương trình Chống lao đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như: Bộ Công an; Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); WHO; KNCV (tổ chức quốc tế chuyên sâu về công tác phòng, chống lao); CDC Hoa Kỳ…, các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác.
Mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng được mở rộng và tăng cường, nhận được cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở triển khai phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao.
Chương trình Chống lao đã triển khai phát hiện, chẩn đoán lao trên toàn bộ mạng lưới y tế cơ sở. Người dân đến khám bệnh ban đầu sẽ kèm theo sàng lọc lao; phát hiện lao kèm theo bệnh phổi, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư phổi…
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống, tiến tới kết thúc bệnh lao vào năm 2035 "Cần đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, cam kết của lãnh đạo tỉnh, thành phố đối với hoạt động phòng, chống lao. Trong đó, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa bệnh nhân trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, chất lượng để cắt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao”.
Bên cạnh đó, người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao. Đồng thời, cần tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert), sử dụng hiệu quả xe Xquang di động kỹ thuật số và các máy Xquang di động được cấp cho các địa phương để tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã xây dựng tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” nhằm chuẩn hóa, đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung, y tế cơ sở nói riêng trong phòng, chống lao.
Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt, Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ sớm triển khai các nội dung của cuốn tài liệu này trên toàn quốc. Đây là cơ sở để các tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ban, ngành đoàn thể tích cực tham gia tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.