AstraZeneca cho biết loại thuốc này đáp ứng mục tiêu chính trong nghiên cứu đối với các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn và đột biến gen BRCA1/2 hoặc ATM. Trước đó, các bệnh nhân này đã được điều trị bằng liệu pháp chống ung thư nội tiết tố. Các gen BRCA và ATM có nhiệm vụ sản sinh ra protein, chữa lành các ADN bị tổn thương, song có thể làm các tế bào ung thư phát triển nếu các gen này bị đột biến.
Giới chuyên gia cho rằng sau khi dữ liệu nghiên cứu giai đoạn II cho kết quả tốt, việc thử nghiệm thuốc Lynparza sẽ có tiến triển. Các nhà khoa học cũng coi đây là thông tin đáng mừng đối với các bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt cũng như đối với loại thuốc Lynparza.
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư thường gặp ở đàn ông, ước tính có tới 1,3 triệu ca bệnh mới được chẩn đoán trên khắp thế giới trong năm 2018. Thuốc Lynparza, do AstraZeneca và Merck phát triển chung, thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư có nguồn gốc từ chất ức chế PARP - một enzym đóng vai trò phục hồi tổn thương ADN và ngăn chặn quá trình tự hủy của tế bào trong cơ thể.
Lynparza là loại thuốc PARP đầu tiên được đưa ra thị trường sau khi Mỹ cấp phép lưu hành loại thuốc này để điều trị ung thư buồng trứng vào cuối năm 2014.