Tình hình COVID-19 ngày 26/7: Thu hồi văn bản về ‘thuốc cổ truyền’; bác bỏ tin đồn Hà Nội lập 3.000 chốt kiểm dịch

Những thông tin “nóng” về tình hình dịch COVID-19 được dư luận quan tâm trong ngày 26/7: Bộ Y tế thu hồi văn bản có danh mục 12 thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19; Công an TP Hà Nội bác bỏ tin đồn sẽ có 3.000 chốt chặn dịch COVID-19 tại Thủ đô; Hạn chế qua lại trên tuyến đường có Bệnh viện Phổi Hà Nội; 17 bệnh nhân từng nguy kịch tại TP Hồ Chí Minh được xuất viện…

Trao giấy ra viện cho những bệnh nhân nặng đầu tiên của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh

Chiều ngày 26/7, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã trao giấy ra viện cho 17 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch vừa hoàn thành điều trị và đủ điều kiện ra viện.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao giấy chứng nhận xuất viện cho ông Piers Birtwistle - một bệnh nhân ngoại quốc. Ảnh: BYT

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, trong thời gian vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân, đã có 83 bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển sang cấp nhẹ hơn và được chuyển sang các bệnh viện khác để tiếp tục điều trị, và hôm nay có 17 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đủ điều kiện xuất viện.

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, 17 bệnh nhân hồi phục đều là những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch với nhiều đặc điểm tình trạng bệnh khác nhau. Với sự cố gắng của tập thể y bác sĩ trong giai đoạn đầu bệnh viện đi vào hoạt động, các bệnh nhân đã được chăm sóc chu đáo, hồi phục hoàn toàn, đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần và đảm bảo đủ điều kiện để xuất viện và tiếp tục theo dõi tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến sáng 26/7, tổng số ca điều trị khỏi của đợt dịch thứ 4 ở TP Hồ Chí Minh 14.704 người; trong đó, riêng ngày 25/7, có 2.115 bệnh nhân xuất viện.

Thêm 7.882 ca mắc mới trong ngày

Tính riêng trong ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận 7.882 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca ghi nhận trong nước. Trong đó thành phố Hồ Chí Minh có đông bệnh nhân nhất, 5.997 ca.

Như vậy, đến 18 giờ 30 phút ngày 26/7, Việt Nam có tổng cộng 106.347 ca mắc, trong đó có 2.201 ca nhập cảnh và 104.146 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 102.576 ca, trong đó có 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 26/7, có 2.006 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 21.344 ca. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) 126 ca và 15 bệnh nhân đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO).

Thông tin “Hà Nội lập 3.000 chốt phòng dịch COVID-19” là sai sự thật

Tối 26/7, trao đổi với báo Tin tức, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, thông tin trên mạng xã hội Facebook về nội dung "Thủ đô sẽ có 3.000 chốt kiểm dịch COVID-19 được lập trong thời gian tới" là hoàn toàn sai sự thật. Đây là những thông tin bịa đặt, không có cơ sở, thiếu chính xác và gây hoang mang dư luận.

Chú thích ảnh
Công an TP Hà Nội bác bỏ tin đồn sẽ có 3.000 chốt chặn dịch COVID-19 tại Thủ đô.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Công an TP đã đề nghị lực lương an ninh mạng và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông vào cuộc, truy tìm tài khoản đăng thông tin sai sự thật, để nhanh chóng xử lý, không làm người dân hoang mang, lo lắng.

Trước đó vào ngày 26/7, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin với nội dung: "Sáng mai có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tuỳ thân và giấ tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết...". Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều bình luận của người dân. Trong đó, có nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, hoang mang

Bộ Y tế thu hồi văn bản có danh mục 12 thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19

Ngày 26/7, Bộ Y tế vừa ra văn bản số 5967/BYT - YDCT để thu hồi công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Chú thích ảnh
Các dược sĩ của Bệnh viện y học cổ truyền Thái Nguyên tự sản xuất dung dịch sát khuẩn để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN

Trong công văn thu hồi do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ghi rõ, do một số nội dung trong công văn 5944/BYT-YDCT chưa phù hợp nên Bộ Y tế quyết định thu hồi công văn này.

Trước đó, ngày 24/7, Bộ Y tế có công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Theo đó, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Viên nang Kovir, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng âm bổ phế, Siro Ngân kiều, Hạnh tô, Vệ khí khang, Hoạt huyết Nhất Nhất, Viên nang Imboot, Xuyên tâm liên, Viên nang Nasagast - KG.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, gel rửa tay khô thảo dược, nước súc miệng...; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe như: Bổ trung khí ích, lục vị, hoàn lục vị, bát tiên trường thọ... Trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng của các sản phẩm này.

Tại công văn ban hành ngày 24/7, Bộ Y tế đề nghị, các đơn vị căn cứ vào thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm công văn này để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó hỗ trợ cho các người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Hạn chế các phương tiện đi qua tuyến đường có Bệnh viện Phổi Hà Nội

Chú thích ảnh
Bệnh viện Phổi Hà Nội hiện đang bị phong toả và dừng tiếp nhận bệnh nhân sau khi phát sinh chùm ca bệnh nhiễm COVID-19 tại đây.

Bệnh viện Phổi Hà Nội bị phong tỏa từ tối 25/7, sau khi phát hiện chùm lẫy nhiễm COVID-19.

Chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Phổi Hà Nội xuất phát từ một bệnh nhân nữ, 24 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, người này từng điều trị tại Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Hà Nội từ ngày 6/7 đến 22/7.

Tính đến trưa 26/7, đã có thêm 26 ca nhiễm từ bệnh nhân này, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà; có hộ khẩu phân bổ tại 15 quận, huyện.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội là điểm lây nhiễm mới tại Hà Nội. Bệnh viện đã bị cách ly y tế từ tối 25/7.

Sau khi ghi nhận ca chỉ điểm, Bệnh viện Phổi Hà Nội ngay lập tức xét nghiệm sàng lọc tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, gần 400 mẫu. Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn về việc các bệnh viện khác tiếp nhận bệnh nhân điều trị từ Bệnh viện Phổi Hà Nội. Theo đó, các trường hợp F0 được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân đang điều trị ngoại trú, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện, sẽ chuyển đến khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong thời gian Bệnh viện Phổi Hà Nội tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. Toàn bộ bệnh nhân tại Khoa Hồi sức sẽ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Ngay trong trưa 26/7, tuyến đường Thanh Nhàn từ ngã ba Thanh Nhàn - Võ Thị Sáu đến ngã tư Thanh Nhàn - Kim Ngưu đã được lược lượng chức năng chốt chặn để hạn chế phương tiện đi vào trong khu vực có dịch nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

PV/Báo Tin tức
Bộ Y tế đề nghị công nhận xét nghiệm test nhanh COVID-19 với các lái xe chở hàng
Bộ Y tế đề nghị công nhận xét nghiệm test nhanh COVID-19 với các lái xe chở hàng

Ngày 26/7, Bộ Y tế có công văn hoả tốc yêu cầu các địa phương thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 đối với lái xe để hàng hoá lưu thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN