UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, chú ý các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như: điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Sở Y tế xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan; chuẩn bị sẵn sàng công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế; chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng; nếu phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thường xuyên theo dõi, giám sát việc cập nhật danh sách ca bệnh, ổ dịch lên hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm một cách đầy đủ, kịp thời.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết, phát hiện, xử trí và phòng, chống bệnh tay chân miệng với nhiều hình thức.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh; thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn, phòng bệnh tại gia đình; thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng, nhất là tại các điểm nguy cơ, thông tin, báo cáo về Sở Y tế theo quy định.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố ghi nhận 1.670 ca bệnh tay chân miệng. Mặc dù số ca mắc thấp hơn cùng kỳ năm 2022 nhưng kết quả xét nghiệm PCR ở một số ca bệnh nặng cho thấy có sự trở lại của virus Enterovirus 71 (EV71) - chủng virus có tốc độ lây lan nhanh, độc lực cao khiến nhiều trường hợp tử vong trong đợt bùng phát dịch vào năm 2011.