Thông tin về tình hình tiêm vaccine trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện Thành phố đã có trên 76% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất mũi 1 và 3,1% người dân được tiêm mũi 2. Kế hoạch tiêm mũi 2 đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1 theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine Aztra Zeneca, mũi 2 cách mũi 1 từ 8-12 tuần; tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì tiêm vaccine này ở tuần thứ 12 sẽ đạt độ kháng thể cao nhất. Theo đó, việc tiêm mũi 2 của những người được tiêm vaccine vào đợt thứ 4 bắt từ ngày 21/6 sẽ rơi vào giữa tháng 9.
Còn đối với các loại vaccine khác như Pfize khoảng cách từ 3 - 4 tuần, Moderna và Vero Cell là 4 tuần. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã tiêm được khoảng 885.000 mũi vaccine Vero Cell. Như vậy tốc độ tiêm vaccine đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết thêm, hiện Thành phố đang có kết hoạch phối hợp đội tiêm vaccine và đội lấy mẫu để tiêm vaccine tận nhà cho những người gặp khó khăn không thể đến điểm tiêm và người dân khu vực nguy cơ cao.
Về việc triển khai xét nghiệm tầm soát COVID-19 trên toàn TP Hồ Chí Minh, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, trong hai ngày từ 23-24/8 Thành phố đã thực hiện test nhanh hơn 500.000 người. Như vậy, năng lực xét nghiệm nhanh của Thành phố tăng cao.
"Đó là nhờ sự tập trung của quận, huyện, đồng thời hướng dẫn người dân tự làm xét nghiệm. Hy vọng hết ngày hôm nay, tỷ lệ xét nghiệm đạt tương đối để chúng ta có thể xác định và đánh giá được vùng xanh, vùng cam, vùng đỏ trên bản đồ COVID-19", ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Chỉ trong vòng thời gian ngắn, Thành phố đã thành lập được 401 Trạm y tế lưu động và số điện thoại của tất cả Trạm đều được đưa lên mạng. Những Trạm Y tế này đều có bác sĩ, điều dưỡng và có các lực lượng hỗ trợ có chức năng quản lý F0, cấp phát thuốc an sinh đến F0 tại nhà, tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý khác ngoài bệnh COVID-19.