Thông tin về tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam, TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng hiện đang trong tầm kiểm soát; tuy nhiên, nếu không duy trì tốt các biện pháp can thiệp chủ động, nguy cơ dịch bệnh sẽ trỗi dậy. Đối với bệnh dại có xu hướng tăng vào đầu năm, nhưng hiện nay đang có dấu hiệu chững lại.
Với các bệnh có thể ngừa được bằng vaccine cũng đang có chiều hướng gia tăng, có một số địa phương xuất hiện chùm ca bệnh cục bộ; nguy cơ xuất hiện các ổ dịch và lây lan, nhất là những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh.
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các dịch bệnh lưu hành tại TP Hồ Chí Minh như tay chân miệng, sốt xuất huyết tương đồng với diễn tiến chung của khu vực phía Nam duy trì ổn định, không có tử vong.
Riêng đối với những bệnh đã có vaccine phòng bệnh như ho gà, sởi có số ca bệnh tăng. Cụ thể, bệnh ho gà TP Hồ Chí Minh ghi nhận 30 trẻ mắc. Các ca bệnh này xuất hiện rải rác và chưa ghi nhận mối liên hệ dịch tễ.
Tuy nhiên, theo điều tra dịch tễ, có 90% trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 44% trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng mũi đầu tiên lúc đủ 2 tháng tuổi. Đáng lưu ý, 100% trẻ mắc bệnh ho gà chưa được gia đình đưa đi tiêm phòng vaccine hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng.
Theo đó, TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị với Bộ Y tế bổ sung tiêm vaccine uốn ván có thành phần bạch hầu và ho gà cho thai phụ.
Riêng đối với bệnh sởi, trong năm nay được đánh giá nguy hơn so với tay chân miệng và sốt xuất huyết. Chỉ sau 3 tuần ghi nhận ca mắc bệnh sởi đầu tiên vào cuối tháng 5, TP Hồ Chí Minh có 16 ca mắc bệnh sởi tại 4 quận, huyện; trong đó có 93,8% ca bệnh thuộc nhóm trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 84,6% trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, củng cố hoạt động giám sát tác nhân gây dịch bệnh; triển khai kế hoạch chủ động phòng, chống dịch sởi, chủ lực là chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ em từ 9 tháng đến 5 tuổi.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng như thiết lập kênh chia sẻ thông tin, cảnh báo dịch bệnh giữa các tỉnh trong khu vực phía Nam, phối hợp với các tỉnh giáp ranh tổ chức tiêm chủng bổ sung vaccine sởi cho trẻ em. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, Thành phố cũng đảm bảo công tác thu dung, điều trị và phòng, chống lây lan tại các sở y tế.
Các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tư thế sẵn sàng, không chỉ tiếp nhận bệnh nhân ở thành phố mà còn phải tiếp nhận bệnh nhân ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam.