Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu nước sạch tại các cơ sở y tế và nước sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn; đặc biệt chú trọng bảo đảm đủ nước sạch, vệ sinh môi trường cho các cơ sở y tế và bệnh nhân điều trị nội trú.
Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, chống say nắng, say nóng, uống đủ nước khi làm việc ngoài trời vào lúc cao điểm nắng nóng trong ngày; bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh, các sở Y tế, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn, hướng dẫn người dân có biện pháp xử lý, dự trữ nước sạch cho sinh hoạt; đặc biệt nước dùng cho ăn uống, bảo quản, xử lý thực phẩm.
Các sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường giám sát các dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh do muỗi truyền bệnh, bệnh ngoài da… quản lý tốt các nguồn bệnh lây nhiễm, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường và diệt các véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, chuột). Chuẩn bị các tổ đội y tế cơ động, sẵn sàng cơ động hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; phân công cán bộ y tế thường trực tại các khu vực lao động ngoài trời, sẵn sàng cấp cứu say nắng, say nóng cho người lao động; đồng thời rà soát, bổ sung nguồn thuốc, dịch tuyền, vật tư y tế dự trữ phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết… trong mùa nắng nóng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới nắng nóng còn tiếp tục xảy ra diện rộng, kéo dài trong nhiều ngày tới, nhất là khu vực vùng núi phía Tây Trung bộ có khả năng nắng nóng gay gắt, dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gây hạn hán, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân; nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn; đặc biệt là dịch bệnh đường tiêu hóa, say nóng, say nắng…