Người già đột quỵ, viêm phổi vì lạnh
Buổi chiều tại khoa Cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các y bác sĩ luôn chân tay túc trực, cấp cứu vì bệnh nhân mới vào nằm kín phòng, khu cấp cứu bệnh nhân nặng cũng đã chật kín hết các giường.
Vào cấp cứu vì đột quỵ đã mấy ngày nay, bệnh nhân Đàm Văn Côn (76 tuổi ở Long Biên, Hà Nội) tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang mê mệt, một nửa người bị liệt, ý thức vẫn còn lơ mơ.
Con trai bệnh nhân cho biết: “Bố tôi có tiền sử bị bệnh tiểu đường đã 10 năm nay, chưa từng có biến chứng nặng nhưng cũng đã có dấu hiệu xơ vữa động mạch. Mấy hôm trời lạnh đột ngột, tôi phát hiện thấy ông nói không kiểm soát, nửa tỉnh nửa mê, rối loạn ý thức nên vội đưa vào Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, sau khi chụp CT đã phát hiện có tổn thương ở não và được đưa vào Bệnh viện Lão khoa để điều trị”.
Đang túc trực chăm sóc vợ tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Thanh (ở Hải Phòng) cũng cho biết: “Mấy hôm vừa rồi vợ tôi kêu đau đầu dữ dội, đi khám thì các bác sĩ phát hiện có huyết khối tại não do bị vỡ mạch máu, rất may gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên vợ tôi đã qua được nguy kịch. Cách đây 3 năm, vợ tôi đã từng bị như thế này, cũng vào mùa lạnh”.
TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Trong những ngày trời lạnh, tại khoa Cấp cứu đột quỵ,số lượng bệnh nhân tăng hơn 40% so với ngày thường, có ngày lên tới 30 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh liên quan đến thời tiết như: Viêm phối, đột quỵ... Những ngày trời rét, bệnh nhân nhập viện cũng có biểu hiện nặng hơn so với các ngày thường, chủ yếu rơi vào nhóm trên 75 tuổi”.
Nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ đột quỵ là do người già thường nhiều bệnh mãn tính, nhất là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... Đặc biệt, ở người già từ 75 tuổi trở lên, các bệnh lý này thường đã biến chứng, hoặc có nguy cơ biến chứng, dẫn đến mức độ sẽ nặng hơn.
Không để chậm trễ “giờ vàng”
Cũng theo BS. Trần Quang Thắng, khi thời tiết lạnh sâu, nhiệt độ giảm đột ngột, cơ thể của người già thay đổi để thích nghi rất kém và chậm, do đó các bệnh mãn tính dễ biến chứng. Đặc biệt, các gia đình khi thấy các biểu hiện ban đầu của người già thường cho là nhẹ, không muốn cho đi khám vì sợ ra ngoài trời lạnh, nhưng chính điều này lại khiến chậm trễ mất “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ, làm cho bệnh nặng hơn, khả năng hồi phục khó khăn hơn.
Khi thời tiết lạnh, các mạch máu bị co lại, sẽ đẩy huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ, vì vậy ở người già, cần nhận biết dấu hiệu sớm của các bệnh để tránh tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn. Cụ thể, cần đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu có các biểu hiện về đường hô hấp như: Ho, khó thở, tức ngực... nhất là khi phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh đột quỵ như: Lú lẫn, tay chớm tê, yếu... thì cần theo dõi thường xuyên huyết áp của người già, vì tăng huyết áp thường không có biểu hiện rõ ràng nhưng lại vô cùng nguy hiểm.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, để chăm sóc người già trong thời tiết rét đậm, cần phải giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, tránh ra ngoài môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi tắm phải đảm bảo phòng tắm đủ ấm, kín gió, cần trang bị các thiết bị sưởi ấm để tránh nhiễm lạnh; sau khi tắm phải mặc ấm ngay trước khi ra khỏi phòng tắm.
Những già mắc bệnh mãn tính cần phải dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, kiểm tra huyết áp thường xuyên và đi khám định kỳ. Bên cạnh đó, phải đảm bảo cho người già ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhất là bổ sung đầy đủ vi lượng, vitamin để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, có sức chống chịu trong những ngày trời lạnh.