Thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Nguyên nhân được chỉ ra trong quá trình triển khai thí điểm là do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng, tính đủ, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân… "Lằn ranh" giữa đúng và sai trong thực hiện tự chủ bệnh viện trên thực tế còn nhiều chỗ mong manh, tiềm ẩn rủi ro đối với những người triển khai, thực hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, Bệnh viện bắt tay tự chủ toàn diện trong điều kiện hết sức khó khăn: dịch bệnh xảy ra, thiếu trầm trọng thiết bị y tế do các đề án liên doanh liên kết hoặc hết hợp đồng, hoặc vướng vào các thủ tục pháp lý, vướng vào sai phạm. Có 11/27 đề án được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, phát hiện sai phạm và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.
“2 năm thực hiện thí điểm tự chủ chính thức là 2020, 2021 không bộc lộ ra việc thiếu này do số lượng bệnh nhân giảm rất nhiều vì dịch. Tuy nhiên, bắt đầu đến quý II/2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, lúc đó bộc lộ tình trạng thiếu trang thiết bị rất nhiều”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ cho hay.
Ông cho biết, hơn 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ và ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn bộ nguồn ngân sách của bệnh viện hiện tại rơi vào tình trạng thiếu, vô cùng khó khăn. Thu không đủ chi thường xuyên, chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên.
Mặc dù được thí điểm tự chủ toàn diện, nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế, bởi Bệnh viện xác định vai trò là bệnh viện công lập, có nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận người bệnh tuyến cuối từ tất cả các tỉnh phía Bắc chuyển về, các bệnh viện ở Hà Nội chuyển đến, trên 90% bệnh nhân là người hưởng bảo hiểm y tế, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa.
“Chúng tôi rất buồn khi có người ưu tú, chuyên môn nghiệp vụ tốt, tay nghề cao đã rèn luyện ở bệnh viện 5-10 năm được các bệnh viện tư nhân mời sang làm việc. Trong năm 2020-2021, khoảng 200 cán bộ. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng. Mỗi cán bộ ra đi, từ chính quyền, công đoàn, lãnh đạo khoa giữ lại nhưng được 1-2 tháng, họ nói Giám đốc chưa lo được cho đời sống của anh em. Có cán bộ đi vì thu nhập, có cán bộ cần các thiết bị y tế”, ông chua xót.
Vị Giám đốc này cũng bày tỏ “mơ có nguồn tài chính” để xây mới các tòa nhà “đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, đã hơn 100 tuổi, xuống cấp rất nhiều, không thể duy tu bảo dưỡng đơn thuần”; đồng thời cho biết đã báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế rằng Bệnh viện cần cơ chế hoạt động công khai, minh bạch để thực hiện nhiệm vụ chính trị với 3 nhiệm vụ: Tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới hiện đại trước khi chuyển giao cho tuyến sau.
Nhấn mạnh “không phải chúng tôi dừng tự chủ mà chuyển sang hình thức khác phù hợp hơn”, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện muốn chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ (quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập).
Phân tích tự chủ là chủ trương rất đúng, cơ chế rất hay, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhận định, nên tự chủ mức 2, mức 3 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. “Tôi không ủng hộ tự chủ đến mức cao nhất, nhiều nhất, vì nó sai định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta”, ông nói.
Từ góc độ của người đã từng có nhiều năm theo dõi công tác trong lĩnh vực ngành y, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) chia sẻ, nếu chúng ta không tính toán mà đã xây dựng và giao tự chủ cho các bệnh viện khi chưa đủ điều kiện thì "lợi bất cập hại", "gậy ông đập lưng ông". Ông cũng khẳng định, không ủng hộ tự chủ hoàn toàn, do thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc tổ chức thực hiện có vấn đề và cơ chế giá bất hợp lý.
Ủng hộ lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin chuyển từ tự chủ loại 1 sang loại 2, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi chỉ ra rằng, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu chúng ta tự chủ theo cách này đối với ngành y thì chỉ đem lại khó khăn, vướng mắc cho người dân. Chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước.
Qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, ông cho biết, chưa một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần. Đặt vấn đề “nếu chúng ta không cẩn thận mà cứ giao tự chủ theo cách như vậy, giao mà không có đầu tư, không có chuyển giao khoa học công nghệ và không có phúc lợi xã hội thì bệnh viện Nhà nước để làm gì”, ông nhấn mạnh, “bệnh viện tuyến cuối cùng và bệnh viện tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư”.
Ở tuyến trên, có 3 điểm phải lưu ý: Một là đầu tư để hiện đại hóa công nghệ, đây là tuyến cuối cùng chăm sóc những bệnh khó khăn, gian khổ nhất nên đòi hỏi kỹ thuật nhiều nhất, phải được đầu tư công nghệ hiện đại. Vấn đề thứ hai là bệnh viện tuyến cuối cùng có nhiệm vụ hết sức quan trọng là chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến 2 và tuyến cơ sở. Vấn đề thứ ba là phải bảo đảm an sinh xã hội.