Tủ sữa mẹ miễn phí có an toàn?

Những ngày gần đây, trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) xuất hiện một "tủ sữa mẹ miễn phí" và đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các mẹ "bỉm sữa".

Với mong muốn giúp những bà mẹ đang nuôi con nhỏ nhưng sữa mẹ không đủ cho con bú, chị Lê Huyền Trang đã có sáng kiến thành lập một tủ sữa mẹ miễn phí. Ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng gần 100 túi sữa được cho đi từ tủ sữa mẹ miễn phí.


Để kiểm soát chất lượng nguồn sữa từ các nguồn cho, chị Huyền Trang cũng đã phải mất 1 năm nghiên cứu trong bệnh viện và quá trình các mẹ vắt sữa trữ đông tại nhà. Bên cạnh đó, những người mẹ đến để trao tặng sữa của mình cũng được chị Trang tư vấn cụ thể về cách hút sữa cũng như bảo quản sữa vệ sinh nhất.


Tủ sữa mẹ miễn phí của chị Trang được rất nhiều bà mẹ "bỉm sữa" đồng tình và cho đây là một hành động rất nhân văn. Thế nhưng các chuyên gia y tế lại cho rằng hành động nhân văn này hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ bệnh tật đối với trẻ.

Tủ sữa mẹ miễn phí được rất nhiều bà mẹ "bỉm sữa" đồng tình. Ảnh: internet

Bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng Khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ: "Tủ sữa mẹ miễn phí của chị Trang là ý tưởng xuất phát từ mục đích tốt. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng của các chuyên gia y tế. Bên cạnh đó, quy trình bảo quản sữa cũng hết sức nghiêm trọng chứ không chỉ bỏ vào tủ đông là đảm bảo".


Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm -Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: "Việc cho sữa mẹ hay trữ sữa chỉ làm được khi tự mẹ hay cô dì rất gần thực hiện mới kiểm soát được. Ngân hàng sữa mẹ thì phải bảo đảm an toàn không thua gì ngân hàng máu. Không phải chỉ nghe bà mẹ nói tôi không bị gì, sữa tốt lắm... là đủ mà cần phải xét nghiệm và biết rõ nguồn gốc về bệnh lý".


Theo bác sĩ Khanh, sữa mẹ vắt ra để tủ lạnh trong ngăn mát chỉ được tối đa 3 - 6 tiếng với điều kiện không để chung với đồ ăn, còn tủ đông đá có thể để 3-6 tháng.


“Sữa mẹ phân phát giống như thực phẩm ở ngoài đường thì điều này không khuyến nghị bởi sữa mẹ không phải giống như thực phẩm thông thường khác mà trong đó có khả năng có vi trùng, vi rút và có khả năng mang bệnh lý… rất khó kiểm soát”, bác sĩ Tín chia sẻ.


Theo bác sĩ Hoàng Thị Tín, một số bệnh có thể truyền qua sữa mẹ như bệnh lao, viêm gan siêm vi B, HIV… Cụ thể, một số bà mẹ mang vi trùng lao nhưng bệnh diễn biến âm thầm nên có khi bản thân bà mẹ cho sữa cũng không biết vì không có biểu hiện. Trong trường hợp này nếu bà mẹ cho sữa thì vẫn có khả năng truyền vi trùng lao cho đứa trẻ. Người nhiễm HIV không kiểm soát thì khả năng sữa mẹ vẫn có mang vi rút HIV. Hay những bà mẹ bị mắc bệnh mãn tính phải uống thuốc thường xuyên thì có khả năng bài tiết thuốc qua sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến trẻ.


"Mặc dù sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ nhưng nếu nguồn sữa được cho không được kiểm soát chặt chẽ thì không nên dùng vì có thể đem đến những tác hại lớn cho trẻ”, bác sĩ Tín khuyến cáo.


Hiện ở Việt Nam chỉ có một ngân hàng sữa mẹ duy nhất theo tiêu chuẩn quốc tế được thành lập và thí điểm tại bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng. Theo đó, Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam sẽ thu thập, thanh trùng, xét nghiệm và bảo quản an toàn sữa mẹ từ những người hiến tặng và cung cấp cho nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt là trẻ non tháng, nhẹ cân hoặc bệnh lý. Người hiến tặng sữa là những người đủ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh, tình nguyện hiến tặng sữa mẹ; không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên; không nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai; không dùng các thuốc chống chỉ định trong thời gian cho con bú; không có bằng chứng tiếp xúc với bất cứ nguồn lây ô nhiễm nào từ hóa chất, khói thuốc...


Theo tổ chức ngân hàng sữa mẹ ở trên thế giới, những người cho sữa phải ký thỏa thuận tuân thủ các quy định được đưa ra, sau đó được xét nghiệm rất chi tiết, loại trừ các bệnh lý có khả năng truyền nhiễm cho đứa trẻ qua sữa mẹ. Đồng thời bản thân người cho sữa phải cam kết không được uống những thuốc có khả năng ảnh hưởng đến trẻ, cũng như các quy định về uống rượu, bia, các chất kích thích hoặc thậm chí cà phê… để đảm bảo sữa cung cấp cho trẻ được an toàn.


Ngoài ra, các bà mẹ cho sữa còn được kiểm soát về thói quen ăn uống, quy trình lấy sữa, cách vệ sinh vú, cách vắt sữa, dự trữ… Người nhận sữa cũng được tập huấn cách rã đông, sử dụng như thế nào cho đúng cách.

Đan Phương
Khai trương Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam
Khai trương Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 17/2, Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức khai trương tại Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng. Ngân hàng sữa mẹ được thành lập nhằm cung cấp sữa mẹ để hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 - 4.000 trẻ nhỏ mỗi năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN