Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận trường hợp anh H.M.T (37 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuất hiện sốt cao và đau mỏi người sau tiêm vaccine COVID-19; nghĩ là phản ứng sau tiêm vaccine nên bệnh nhân chủ quan chỉ theo dõi ở nhà. Đến khi người mệt, tiểu cầu hạ, xuất hiện ban đỏ…bệnh nhân mới đến bệnh viện khám và được phát hiện mắc sốt xuất huyết.
Theo lời kể của bệnh nhân, ngày 18/6, bệnh nhân được tiêm phòng vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Sau tiêm, bệnh nhân xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau cơ. Nghĩ đó là các phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vaccine nên bệnh nhân tự theo dõi tại nhà. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân hết sốt, xuất hiện ban đỏ vùng mặt kèm ban đỏ rải rác toàn thân, mệt mỏi… mới đi khám.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã bị hạ tiểu cầu, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Sau 6 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện nhiều người dân lo lắng trước sự lây nhiễm của COVID-19 nên ngại đến bệnh viện khám. Đặc biệt những người tiêm vaccine COVID-19 mắc sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn các triệu chứng sốt, đau mỏi người... với phản ứng sau tiêm vaccine nên cũng không tới bệnh viện để thăm khám. Đây là một trong những sai lầm thường gặp hiện nay; rất dễ phát hiện sốt xuất huyết muộn khi dịch đang có chiều hướng gia tăng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính,… Riêng tại Hà Nội, từ đầu hè tới nay các ca sốt xuất huyết ban đầu ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín,… đã lan dần vào cac khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, do virus gây ra, với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. COVID-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Sốt xuất huyết có biểu hiện điển hình là: Da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Còn đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc bệnh, còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như: Ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.
"Triệu chứng nhận biết sốt xuất huyết là: Sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà", PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.
Theo đó, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: Sốt, đau mỏi cơ... Do đó người dân cần hết sức chú ý và các nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.