Tuy nhiên, căn bệnh đã tồn tại 137 năm kể từ khi thế giới biết nguyên nhân của bệnh là vi khuẩn lao này, tới nay vẫn là "dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất” khi chỉ riêng năm 2017, thế giới có thêm 10 triệu ca nhiễm lao phổi mới, tương đương gần 30.000 người nhiễm mới mỗi ngày.
“Đã đến lúc hành động, đã đến lúc kết thúc bệnh lao”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông điệp cho Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay như một lời kêu gọi khẩn cấp: đã đến lúc phải thay đổi.
Tháng 9 năm ngoái, bên lề kỳ họp Đại hội đồng khóa 73, Liên hợp quốc lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao về bệnh lao, trong bối cảnh, cứ mỗi phút thế giới có 3 người ra đi vì bệnh lao, tức là cứ mỗi ngày có thêm 4.500 người mất mạng do căn bệnh truyền nhiễm này.
Làm một phép so sánh đơn giản, HIV/AIDS trong năm 2017 làm chết 940.000 người, một căn bệnh thế kỷ hiện chưa có phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả đang cướp đi ít sinh mạng hơn so với một căn bệnh đã có thuốc và pháp đồ điều trị từ những năm 1920.
Trên thực tế, cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu cũng đã đạt nhiều tiến bộ. Toàn thế giới chứng kiến tỷ lệ tử vong do bệnh lao giảm tới 42% trong giai đoạn từ 2000-2017. Các phương pháp chẩn đoán và các loại thuốc mới đã được nghiên cứu và đưa ra áp dụng.
Các cam kết cấp độ toàn cầu về chống lao cũng đang đạt mức cao chưa từng có, tiêu biểu là việc các nhà lãnh đạo nhất trí tại Hội nghị cấp cao chống lao của LHQ tháng 9 năm ngoái sẽ huy động 13 tỷ USD tới năm 2022 cho công tác chăm sóc và phòng chống bệnh lao. Tại hội nghị cấp bộ trưởng WHO về bệnh lao tháng 11/2017, các nước đã ra Tuyên bố Moskva cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Dù vậy, nét chủ đạo trong bức tranh toàn cầu mà báo cáo năm 2018 của WHO vẽ ra vẫn là sự trì trệ trong các nỗ lực về ngăn chặn và tiêu diệt bệnh lao. Các chuyên gia của WHO ước tính trong năm 2017, có 3,6 triệu người mắc bệnh lao mà không được điều trị.
Trong khi đó, nguồn tài trợ cho công tác điều trị đang thiếu hụt 3,5 tỷ USD so với mức cần thiết trong năm 2018, và thiếu hụt cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là 1,3 tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo nếu các xu hướng này tiếp tục, thế giới có thể phải đối mặt với một tai họa lớn hơn, trong đó hiểm họa lớn nhất là nguy cơ kháng thuốc lan rộng trong điều trị lao.
Thách thức gai góc hàng đầu trong cuộc chiến phòng chống lao phổi là thiếu các công cụ hiện đại cho một dịch bệnh cấp thiết của thế kỷ 21. Mặc dù có những tiến bộ khoa học nhất định, bệnh nhân và các đơn vị điều trị bệnh lao chủ yếu vẫn phải dựa vào chẩn đoán, vaccine và pháp đồ điều trị cũ kỹ và thiếu hiệu quả.
Đơn cử như việc tiêm phòng, vaccine BCG đang được sử dụng cho bệnh lao ngày nay được phát triển vào những năm 1920 và trong thời gian dài bị chỉ trích chỉ có hiệu quả hạn chế. Về hoạt động chẩn đoán, xét nghiệm lao được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay do nhà khoa học người Đức Robert Koch, người đã xác định vi khuẩn lao dưới kính hiển vi vào năm 1882, phát triển và chỉ có độ nhạy 50%.
Tình trạng chẩn đoán chưa chính xác hoặc không phát hiện kịp thời các ca nhiễm bệnh vẫn tồn tại, cản trở công tác phòng và chữa căn bệnh nguy hiểm này.
Theo WHO, trong số 10 triệu ca phát hiện mắc mới trong năm 2017 thì chỉ có 6,4 triệu ca được ghi chép chính thức trong các hệ thống quản lý quốc gia, trong khi 3,6 triệu ca khác hoặc là không được chẩn đoán, hoặc là đã phát hiện ra nhưng không báo cáo.
Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân được chữa trị cũng còn thấp với chỉ 64% ca nhiễm bệnh, trong khi để có thể đạt mục tiêu xóa sổ bệnh lao vào năm 2030, thì từ nay tới năm 2025, phải có ít nhất 90% các ca nhiễm bệnh được điều trị.
Đặc biệt, tình trạng lao kháng đa thuốc vẫn là một cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng. Mỗi năm có khoảng 60.000 ca mắc bệnh lao "nhờn thuốc", và tình trạng này thực sự đã đẩy lùi những tiến bộ đạt được trong phòng chống bệnh lao trên toàn cầu.
Lựa chọn chủ đề “Đã đến lúc” (It’s time), WHO mong muốn nhấn mạnh tính khẩn cấp phải thực hiện những cam kết mà lãnh đạo các quốc gia trên toàn cầu đưa ra, bao gồm: Mở rộng, tập trung phòng ngừa và điều trị bệnh lao; xây dựng tinh thần trách nhiệm trong phòng chống và điều trị bệnh; đảm bảo đủ và bền vững nguồn tài chính cho nghiên cứu, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, cung cấp đủ thiết bị cho các trung tâm phòng chống lao, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu.
Bản thân việc LHQ tổ chức cuộc họp cấp cao riêng về bệnh lao cũng cho thấy vấn đề này đang ngày càng cấp bách. Từ trước tới nay mới chỉ có 4 vấn đề y tế gồm HIV/AIDS, các bệnh không truyền nhiễm, Ebola và kháng kháng sinh, là nằm trong chương trình nghị sự của một hội nghị cấp cao LHQ.
Ngày 24/3/1882, bác sĩ Robert Koch công bố đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao, đồng thời mở ra con đường hướng tới chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.
Sự ra đời của Ngày Thế giới phòng chống lao hằng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sự hủy hoại sức khỏe, hậu quả về kinh tế - xã hội do bệnh lao gây ra, và hiệu quả của công tác phòng chống bệnh lao trên toàn cầu.
Năm nay, WHO cho rằng đã đến lúc thế giới cần nhìn thẳng vào mối nguy mà "kẻ giết người hàng đầu" này gây ra, để không chỉ cam kết mạnh mẽ mà cần có hành động kịp thời và quyết liệt để có thể xóa bỏ bệnh lao vào năm 2030.