Chiến dịch được triển khai tại 4 quốc gia: Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan với mục tiêu trao quyền cho thế hệ trẻ trong công cuộc chấm dứt bệnh lao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Thế hệ trẻ Việt Nam là thế hệ đầy sáng tạo, nhiệt huyết. Và họ sẽ là một trong những nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao tại Việt Nam. Chương trình chống lao Quốc gia cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao”. Đồng thời Ông bày tỏ hy vọng các bạn thanh thiếu niên sẽ tham gia chiến dịch “Thế hệ trẻ -Những chiến binh chống lao” một cách mạnh mẽ nhằm hướng đến một thế giới tốt đẹp, an toàn và khỏe mạnh hơn khi không có bệnh lao.
Các bạn trẻ truy cập vào website https://www.tbwarriors.com/vn để tham dự trò chơi và trở thành chiến binh chống lao. Người chơi có nhiệm vụ tìm kiếm các nhân vật có triệu chứng hoặc có yếu tố nguy cơ mắc lao trong thời gian ngắn nhất. Trong quá trình này, người chơi sẽ được cung cấp thông tin liên quan đến bệnh lao như triệu chứng thường gặp, các yếu tố nguy cơ…
Người tham gia được phép chơi nhiều lần để có được thành tích cao nhất và ghi tên mình vào bảng thành tích chung.
Việc chơi lại nhiều lần không chỉ giúp người chơi có được thành tích cao mà còn là một hình thức thúc đẩy hành vi chủ động trong phòng bệnh, làm xét nghiệm và điều trị lao. Các bạn trẻ có thể chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp cũng như những người xung quanh có thêm hiểu biết về bệnh lao từ đó nâng cao vai trò của mình trong toàn chiến dịch.
Ngoài những trò chơi thú vị, website (https://www.tbwarriors.com/vn) còn là nguồn tài nguyên quý giá với các video giáo dục, câu chuyện hoạt họa về bệnh lao và nhiều tài liệu hấp dẫn khác.
Ước tính toàn cầu hiện có khoảng 1,8 triệu người trẻ từ 10-24 tuổi đang mắc bệnh lao, chiếm 17% ca nhiễm. Đây là nhóm đối tượng được quan tâm nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh lao. Tỷ lệ lây truyền bệnh lao ở nhóm tuổi này có thể cao hơn tới 20 lần so với các nhóm tuổi khác, một phần do giới trẻ có nhiều mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay vẫn chưa thật sự quan tâm đến sức khỏe, thậm chí nhiều người trẻ còn chưa nhận thức được sự nguy hiểm cũng như không có kiến thức về các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lao.
Mặt khác, ngoài việc lo sợ bị kỳ thị, người bệnh còn gặp phải nhiều rào cản trong việc tiếp cận hệ thống cơ sở y tế cũng như thiếu sự hỗ trợ của gia đình, xã hội. Chính những điều đó đã dẫn đến hàng triệu người không tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh và điều trị.
Những rào cản trên được ghi nhận ở thanh thiếu niên cao hơn so với các nhóm tuổi khác với tỷ lệ 82% những người có triệu chứng không được chăm sóc và 71% thanh thiếu niên mắc lao xem đó là triệu chứng của bệnh ho hay cảm thông thường.