Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh cũng chia sẻ, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển từng ngày đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Lượng máu tiếp nhận tăng đều qua hằng năm. Kể từ năm 2014 đến nay, mỗi năm các cơ sở y tế đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Hiến máu tình nguyện không còn là phong trào mà đã trở thành hoạt động thường xuyên bao gồm nhiều độ tuổi, thành phần, tôn giáo, dân tộc và nơi cư trú.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, cần hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách liên quan đến công tác truyền máu cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao công tác tổ chức điểm hiến máu, đặc biệt là công tác xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu, công tác quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền máu.
Thông tin về kết quả của hoạt động truyền máu toàn quốc năm 2023, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia cho biết thêm, cả nước tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu tăng 6% so với năm 2022; trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu. Số lượng đơn vị máu tiếp nhận thể tích lớn hơn hoặc bằng 350ml chiếm 66%. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%. Cả nước có 77 cơ sở y tế có tiếp nhận máu, trong đó: 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương, tuyến tỉnh, 29 cơ sở y tế tuyến huyện.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá, máu và các chế phẩm của máu chưa thể sản xuất được và phụ thuộc hoàn toàn vào người cho vì vậy những kết quả đạt được trong năm qua rất đáng khích lệ. Trong năm qua, các cơ sở truyền máu điều chế được gần 3 triệu chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022. Bộ Y tế đánh giá cao sự điều phối, hỗ trợ của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước, đặc biệt đã hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho Đồng bằng sông Cửu Long trong suốt 1 năm qua.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa cũng đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu; phát triển phần mềm trong quản lý, nâng cao sự kết nối giữa các cơ sở truyền máu. Các Trung tâm Máu cần quan tâm đến việc đào tạo, tuyển chọn nhân lực làm công tác truyền máu; đảm bảo thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất sinh phẩm, túi máu…, không để gián đoạn hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trong thời gian tới; đào tạo chuyển giao kỹ thuật hướng đến dịch vụ truyền máu ngày càng chất lượng - hiệu quả - bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kiến nghị, để công tác truyền máu an toàn cần quản lý chất lượng của hoạt động truyền máu. Cần áp dụng ISO 9001 cho các cơ sở truyền máu; áp dụng chất lượng phòng xét nghiệm của Bộ Y tế và ISO 15189 cho phòng Xét nghiệm sàng lọc máu ở các trung tâm tiếp nhận máu và phòng xét nghiệm cấp phát máu bệnh viện; tiếp tục tập huấn quản lý chất lượng cho các cơ sở truyền máu.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh cho biết, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với vai trò đầu ngành trong lĩnh vực huyết học, truyền máu tiếp tục tham mưu Bộ Y tế trong việc xây dựng, đề xuất sửa đổi văn bản pháp quy; xây dựng chiến lược, kế hoạch trong việc đảm bảo nguồn máu và sẵn sàng phối hợp với các cơ sở y tế trong việc đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật nhằm hướng đến dịch vụ máu ngày càng chất lượng – hiệu quả - bền vững.