Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (45 tuổi, ở Bắc Giang) trong tình trạng suy gan nặng.
Trước đó, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B; bị u lympho tế bào nhỏ đã điều trị hóa chất 6 đợt.
Cách đây một năm, bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng virus viêm gan B. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc điều trị và chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Sau khi uống, bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, vàng da tăng dần kèm theo nôn, bệnh nhân đi khám được bác sĩ chỉ định nhập viện với chẩn đoán: Suy gan cấp và bán cấp, ung thư mô liên kết Kaposi của hạch lympho, viêm gan virus B mãn tính, hôn mê gan…
Sau khi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân rơi vào hôn mê, suy gan phải đặt ống thở máy, tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Được bác sĩ giải thích tiên lượng nặng, gia đình bệnh nhân đã xin cho bệnh nhân về, chăm sóc tại nhà.
Theo Ths. BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan và hôn mê gan rất nặng do tự ý bỏ thuốc kháng virus để dùng thuốc nam, thuốc bắc. Điều này thực sự rất nguy hiểm.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc khuyến cáo: Bệnh nhân viêm gan B cần được khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa về truyền nhiễm, viêm gan. Qua các lần thăm, khám các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và có phương án theo dõi kịp thời. Trong trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus thì không được tự ý bỏ thuốc mà phải có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Đặc biệt, các bệnh nhân tuyệt đối không được dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng khi chưa có tư vấn của Bác sĩ trong điều trị viêm gan B.