Một số nơi vẫn còn dè dặt
Sáng 16/4, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho biết: "Tính đến nay, hầu hết các địa phương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, một số địa phương khi triển khai tiêm còn dè dặt, ngắt quãng nên tiến độ chưa được như mong muốn".
Cụ thể, tính đến ngày 14/4, đã có 9/19 tỉnh kết thúc tiêm đợt 1 vaccine COVID-19 như: Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang,Tây Ninh (Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh), Long An (Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười), Bà Rịa-Vũng Tàu (Trung tâm y tế Long Điền), Gia Lai, Khánh Hòa (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa), Đà Nẵng (Bệnh viện Phổi Đà Nẵng).
Trong đợt tiêm đầu tiên, có 4 tỉnh có tỷ lệ sử dụng vaccine COVID-19 đợt 1 trên 90%, như: Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Bình Dương; có 3 tỉnh có tỷ lệ từ 80-90% là: Hải Phòng, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh; 3 tỉnh có tỷ lệ dưới 80%: Đồng Tháp (Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự), Quảng Ninh, Hải Dương.
Trong đợt 2 triển khai tiêm vaccine COVID-19, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương- Chương trình TCMR đã yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai; ban hành “Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19” để các địa phương sử dụng. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine an toàn, hiệu quả, đạt tiến độ trước khi hết hạn sử dụng; thực hiện báo cáo hàng ngày kết quả triển khai và báo cáo kết thúc hoạt động.
Về công tác triển khai tiêm chủng tại một số địa phương chưa đạt tiến độ mong muốn, Chương trình TCMR đề nghị các địa phương triển khai liên tục theo hình thức chiến dịch, không gián đoạn để đạt tiến độ đề ra. Tăng cường công tác phối hợp giữa hệ điều trị và dự phòng trong quá trình triển khai.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, hạn sử dụng của vaccine COVID-19 ngắn (dưới 2 tháng); vì vậy, cần, tăng cường công tác chỉ đạo sát sao, tổ chức triển khai khẩn trương, tăng tính điều phối vaccine giữa các tuyến huyện và xã của các tỉnh… Tăng cường công tác truyền thông và tư vấn về vai trò và tính an toàn của vaccine COVID-19.
Không để bất cứ liều vaccine nào phải huỷ
Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 tổ chức sáng 16/4, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19 của Chương trình COVAX trước ngày 5/5; địa phương nào không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã hết sức nỗ lực để có vaccine phòng COVID-19 phục vụ tiêm chủng cho người dân. Hiện Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vaccine phòng COVID-19 của Chương trình COVAX về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ, yêu cầu các địa phương phải lập danh sách đối tượng tiêm theo đúng Nghị quyết 21 và cần tổ chức tiêm nhanh chóng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là các địa phương và Bộ Y tế “không được phép để bất cứ liều vaccine nào phải huỷ do không tổ chức tiêm được”; với các địa phương không tổ chức tiêm hết vaccine, Bộ Y tế sẽ thu hồi vắc xin và thông báo rộng rãi.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vaccine hết hạn mà không tiêm… Bộ Y tế cũng mong muốn tăng cường việc truyền thông thông tin về lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân tham gia tiêm chủng.
Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine COVID-19 theo đúng kế hoạch. Hiện cả nước đã tiêm chủng được cho hơn 73.000 người.
Qua việc triển khai tiêm vaccine COVID-19, hệ thống giám sát của Chương trình TCMR đã ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ... Tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Theo đó, mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. So với một số vaccine khác, vaccine phòng COVID-19 Việt Nam đang triển khai tiêm cũng có tỷ lệ phản ứng sau tiêm thấp hơn; đơn cử như vaccine 5 trong 1 được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cũng có tỷ lệ phản ứng sau tiêm trên 50%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định: Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Theo đó, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng. Hiện Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.