Vẫn nỗi lo ngộ độc từ các bếp ăn tập thể

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn đáng lo ngại, khi các vụ ngộ độc vẫn liên tiếp xảy ra với nhiều người.

Chú thích ảnh
Nhiều vụ ngộ độc hàng loạt do mất an toàn thực phẩm diễn ra liên tục. Ảnh: TTXVN

Liên tục các vụ ngộ độc

Mới đây, ngày 11/10, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, với 6 học sinh có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn trưa tại căng tin nhà trường. Trong đó có 5 học sinh đau bụng, nôn ói được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Các học sinh này được suất ăn gồm: Bún gạo xào nem nướng, thịt nướng, canh hẹ… Có 6 trường hợp trên cùng ăn bún gạo xào có triệu chứng đau bụng, nôn sau khoảng 2 giờ ăn bữa trưa bán trú tại trường.

Các suất ăn này được cung cấp bởi Công ty TNHH thương mại dịch vụ Ngọc Huệ (địa chỉ 178/13 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đã tổ chức điều tra dịch tễ, niêm phong mẫu lưu thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm. Rất may, sau đó sức khỏe 6 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm đã ổn định, tất cả các em đã được xuất viện về nhà.

Trước đó, ngày 8/10, có khoảng 50 học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn, đi ngoài sau khi ăn cơm tối tại căng tin. Các trường hợp này đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh để theo dõi, điều trị.

Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo tạm ngừng hoạt động của căng tin nhà trường nơi có nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Hay mới đây, dư luận cũng lo ngại trước sự việc một số sinh viên trường Đại học Bách khoa phản ánh suất ăn tại trường là “cơm thừa canh cặn” từ bữa trước, có dị vật trong đồ ăn.

Ngay khi có thông tin, Ban lãnh đạo trường đã chỉ đạo và quyết định dừng ngay hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho tân sinh viên đang học giáo dục quốc phòng an ninh. Đồng thời, trường chuyển đơn vị khác để cung cấp suất ăn, đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chuẩn định lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; đề nghị các bên liên quan làm rõ và xử lý triệt để...

Theo các chuyên gia, vấn đề ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và lo ngại nhất là từ các bếp ăn tập thể, ở những nơi đông người. Đặc biệt, việc cung cấp suất ăn cho trường học mất vệ sinh chủ yếu do thực phẩm thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc.

Tìm nguyên nhân để kiểm soát

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo: Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella. Một số vụ ngộ độc lớn gần đây đều do “thủ phạm” Salmonella như: Vụ hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng (ở Quảng Nam), vụ hơn 360 người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh (ở Khánh Hòa), vụ hơn 600 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó có 1 ca tử vong…

Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm máu, xương và khớp xương. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, với nền nhiệt độ cao, dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá do ngộ độc thực phẩm tăng cao, nhất là từ các bữa ăn tập thể. Bên cạnh đó, một số vụ ngộ độc còn tìm được nguyên nhân do vi khuẩn tụ cầu nhiễm trong thức ăn.

Theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong chủng vi khuẩn tụ cầu, phổ biến nhất là tụ cầu vàng. Thức ăn khi bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ gây ra ngộ độc. Độc tố này khi vào cơ thể làm cho toàn bộ hệ thống tiêu hóa bị tê liệt, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.

“Biểu hiện của việc ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng là: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, suy nhược thần kinh, chóng mặt, nhức đầu… Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 2- 4 giờ, chậm nhất đến 12 giờ sau khi ăn. Các bệnh nhân bị ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng, với trường hợp nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn đến tử vong”, PGS.TS Trần Đáng cảnh báo.

Theo PGS.TS Trần Đáng, những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là: Sữa, thịt băm, thịt gia súc, gia cầm… Những thực phẩm này nếu không được bảo quản hoặc bảo quản không đúng cách, để bị ôi thiu, dễ nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng. Đặc biệt, tụ cầu vàng còn tồn tại nhiều trong cơ thể con người. Loại vi khuẩn này thường ẩn nấp trong mũi, miệng, mắt, tay, nách… Do đó, nguy cơ dễ nhiễm vào trong các loại thực phẩm.

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn thực phẩm có thể tươi sống, đảm bảo ATTP, nhưng vẫn có thể có nguy cơ nhiễm vi khuẩn từ nhà bếp tới bàn ăn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để hạn chế ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, nhất là trong trường học, mỗi người cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như: Nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm. Phụ huynh, những người giám sát bữa ăn cần tăng cường giám sát chuỗi thực phẩm, quy trình chế biến, bởi đây là quyền lợi, giúp đảm bảo an toàn cho bữa ăn tập thể.

Trước tình hình mất an toàn thực phẩm đang “nóng”, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã tham mưu để cấp địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có 2 khuyến cáo là chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến ăn uống phải đảm bảo vệ sinh.

Théo đó, các địa phương phải kiên quyết không để các cơ sở chế biến thực phẩm, cung cấp suất ăn không có giấy đăng ký, bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động… Các đơn vị kiểm soát chặt chẽ theo từng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể.

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm…

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Chỉ thị số /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN