Chiều ngày 9/6, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 (tiêm mũi 3) tại TP Hồ Chí Minh còn chưa cao, chỉ đạt khoảng 63,87%; tiến độ tiêm mũi 4 còn khá chậm. Tỷ lệ tiêm đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt gần 90%; trẻ từ 5-11 tuổi mũi 1 được 33% và mũi 2 đang tiêm.
Bà Lê Hồng Nga cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã làm một khảo sát nhỏ với 2.000 người không tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại và ghi nhận khá nhiều nguyên nhân. Cụ thể, 15% cho biết không biết nơi tiêm, 12% không đến được điểm tiêm, 12% không đồng ý tiêm, 11% sợ phản ứng và 10% cho biết không có thời gian.
Bà Lê Hồng Nga nhận định, việc tiêm vaccine mũi nhắc lại cho người dân là cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nước ta bước vào giai đoạn “bình thường mới”, dần dần khôi phục từng bước các hoạt động sinh hoạt xã hội và sản xuất. Khi từng cá nhân được bảo vệ thì cộng đồng mới được bảo vệ. Theo đó, việc tiêm nhắc lại sẽ tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ người được tiêm, do các liều tiêm cơ bản trước đây theo thời gian kháng thể sẽ giảm dần.
“Hiện tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng có nơi trên thế giới ghi nhận những biến chủng mới, một số nước bùng dịch trở lại, vì vậy việc tiêm nhắc đầy đủ và đúng lịch vaccine giúp chúng ta kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn. Với mỗi cá nhân, việc tiêm nhắc lại giúp bảo vệ tốt hơn trước diễn biến có thể chuyển nặng của dịch COVID-19”, bà Nga nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lê Hồng Nga, thời gian tới, ngành y tế Thành phố sẽ mở chiến dịch vận động người dân tiêm chủng với thông điệp “Vaccine phòng COVID-19 - Tiêm nhắc đúng lịch - Duy trì miễn dịch”. Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế, phòng y tế tại các địa phương lập kế hoạch tiêm chủng; trong đó lên danh sách, lịch tiêm, các địa điểm tiêm tiêm chủng, lịch hoạt động của các địa điểm để thông báo rộng rãi, công khai đến người dân.