Các cơ sở này chủ yếu là phòng khám răng hàm mặt, phòng khám nha khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở chăm sóc da, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, Beauty Spa, Clinic Spa, kính thuốc...
Qua phản ánh của cơ quan truyền thông, các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh về răng, dịch vụ thẩm mỹ thường quảng cáo tràn lan trên nền tảng mạng xã hội, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh “chui” như sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người bằng phẫu thuật, thủ thuật, tiêm, bơm, đốt...gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại về kinh tế của người sử dụng dịch vụ.
Hằng năm, các sở, ngành của Vĩnh Phúc theo chức năng nhiệm vụ, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, trong khi mức xử phạt vi phạm hành chính thấp, nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở khám chữa bệnh răng hàm mặt không phép hoạt động rất tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm lẩn tránh thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước, cố tình cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép...Vì vậy, tình trạng hành nghề khám, chữa bệnh không phép, quá phạm vi cho phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương chưa được xử lý triệt để.
Để chấm dứt các vi phạm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi cấp phép hoạt động; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cơ sở vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tổ chức, cá nhân hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành quán triệt, quản lý chặt chẽ cán bộ, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm quy định khi làm việc, khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian quy định tại đơn vị và khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh không để cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động trên địa bàn quản lý. Các địa phương chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân, cơ sở vi phạm theo thẩm quyền và theo quy định…
Hiện nay, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 300 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc). Sở Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn trên địa bàn. Qua đó, hàng loạt cơ sở đã bị xử lý.
Mới đây, Sở Y tế tỉnh ban hành Quyết định số 04/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng đối với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn tiêm chủng vaccine Blue Kids Việt Nam với số tiền 30 triệu đồng. Doanh nghiệp này có địa chỉ tại thành phố Phúc Yên đã thực hiện hành vi tiêm chủng khi chưa thực hiện việc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng…