Trong chiến dịch toàn cầu mới đây về nâng cao nhận thức sử dụng kháng sinh, WHO đã chia kháng sinh thành 3 nhóm gồm Tiếp cận, Theo dõi và Dự trữ, đồng thời phân rõ loại nào dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng và thường gặp nhất, loại nào cần có sẵn tại các cơ sở y tế, và loại nào cần được sử dụng hạn chế và coi như phương thuốc cuối cùng. Theo WHO, chiến dịch này nhằm tăng việc sử dụng các loại kháng sinh trong nhóm Tiếp cận lên ít nhất 60% và giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong nhóm Theo dõi và Dự trữ, gây nguy cơ kháng thuốc cao nhất.
WHO cảnh báo vi khuẩn kháng thuốc - mối đe dọa đối với sự phát triển và sức khỏe toàn cầu, đang ngày một tăng trên khắp thế giới, do tình trạng lạm dụng kháng sinh. Có tới 50% số thuốc kháng sinh đang được sử dụng sai mục đích tại nhiều nước, đơn cử kháng sinh chỉ dùng để điều trị nhiễm khuẩn thì lại được dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra. Một trong những mối quan ngại cấp thiết hiện nay là việc lây lan vi khuẩn gram-âm kháng thuốc, trong đó có Acinetobacter, Escherichia coli và Klebsiella pneumoniae.
Các loại vi khuẩn này, khá phổ biến đối với các bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện, thường gây các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng vết thương hoặc vết mổ và viêm màng não. Khi kháng sinh không phát huy hiệu quả, người bệnh sẽ phải nhập viện để điều trị, khiến chi phí chữa bệnh tốn kém hơn.
Cũng theo WHO, trong bối cảnh thiếu vắng việc đầu tư cho nghiên cứu, điều chế kháng sinh mới, cải thiện việc sử dụng kháng sinh là một trong những hành động thiết yếu nhằm ngăn chặn việc lây lan vi khuẩn kháng thuốc. WHO cho biết việc sử dụng các loại kháng sinh trong nhóm Tiếp cận có thể làm giảm nguy cơ kháng thuốc bởi đây là các loại kháng sinh phổ hẹp, tác động vào một vi khuẩn cụ thể hơn là nhiều loại, và tốn ít chi phí hơn do có sẵn trong biệt dược gốc.