Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã coi tình trạng kháng thuốc kháng sinh là "một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta". Phát biểu ngày 20/11 tại cuộc họp báo trực tuyến, ông nhấn mạnh vấn đề này có thể không cấp bách như đại dịch COVID-19 nhưng cũng nguy hiểm không kém. Ông cho rằng tình trạng này có nguy cơ làm thụt lùi tiến bộ y học, khiến thế giới trở lại thời kỳ y học cách đây một thế kỷ và khiến loài người không còn khả năng tự bảo vệ trước các bệnh nhiễm trùng mà ngày nay có thể dễ dàng chữa trị.
WHO cũng cho rằng tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa an ninh lương thực, phát triển kinh tế và khả năng chống chọi với bệnh tật của thế giới. Theo WHO, kháng thuốc dẫn đến tăng chi phí điều trị, điều trị thất bại, bệnh nặng và có thể dẫn đến tử vong. WHO đang phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cùng Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) thành lập một nhóm công nhằm vận động hành động khẩn cấp để chống lại mối đe dọa trên. Tham gia nhóm công tác này sẽ người đứng đầu các chính phủ, giám đốc điều hành các công ty, và do Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và Thủ tướng Barbados Mia Mottley đồng lãnh đạo.
Thủ tướng Bangladesh cho rằng cần có sự phối hợp hành động trên toàn thế giới nhằm theo dõi đặc tính của bệnh nhiễm trùng, thực hiện các biện pháp kiểm soát bắt buộc và tăng cường nhận thức toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng rộng rãi thuốc kháng sinh.
Kháng thuốc xảy ra khi các loại vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng trở nên miễn dịch với các loại thuốc điều trị bệnh do chúng gây ra hiện nay, như thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, thuốc chống nấm - các bệnh gây ra những vết thương nhỏ và nhiễm trùng thông thường nhưng lại có nguy cơ gây tử vong. Tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây do sử dụng quá nhiều các loại thuốc trên ở người hoặc trong chăn nuôi.
Liên đoàn Quốc tế các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm (IFPMA) cho biết khoảng 700.000 người tử vong mỗi năm trên toàn cầu vì kháng thuốc kháng sinh. Theo IFPMA, con số này có thể tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không hành động mạnh mẽ để đảm bảo sử dụng phù hợp các loại thuốc kháng sinh hiện nay, cũng như tìm ra các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.