Qua các kết quả xét nghiệm máu, chụp não bộ và kiểm tra nhận thức hoàn chỉnh của hơn 400 đối tượng tham gia nghiên cứu, bao gồm 247 người có biến thể gen di truyền khởi phát sớm (nhóm 1) và 162 người được xác định không có gien di truyền bệnh Alzheimer (nhóm 2) và có sức khỏe bình thường, các nhà nghiên cứu phát hiện lượng protein trong máu ở nhóm 1 cao hơn mức chuẩn và liên tục tăng. Trong khi đó, lượng protein trong máu ở nhóm 2 ở mức thấp và ổn định. Khoảng một nửa số người tham gia nghiên cứu được xét nghiệm hơn 1 lần, trong khi số người còn lại được xét nghiệm khoảng 2 đến 3 năm/lần. Sự khác biệt này có thể được phát hiện 16 năm trước khi các triệu chứng liên quan đến nhận thức xuất hiện với tần xuất gia tăng.
Theo dõi hình ảnh quét não của những người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện tốc độ lượng protein tăng nhanh tỷ lệ thuận với tốc độ vùng não precuneus có chức năng lưu trữ ký ức mỏng đi và thu hẹp dần.
Về mối liên hệ giữa lượng protein trong máu và sự suy giảm nhận thức, các nhà nghiên cứu phát hiện những người có lượng protein trong máu cao dường như có dấu hiệu teo não và giảm khả năng nhận thức. Trên thực tế, mọi loại tổn thương thần kinh có thể khiến protein trong dây chằng thần kinh tràn ra ngoài và hòa vào máu. Những người mắc bệnh sa sút thần trí thể Lewy và những người bệnh Huntington - một dạng bệnh tổn thương dây thần kinh, thường có lượng protein trong máu cao.
Các nhà khoa học hy vọng trong tương lai có thể áp dụng kết quả nghiên cứu này để nhanh chóng xác định được tổn thương não không chỉ ở những người mắc bệnh Alzheimer mà cả những người bị tổn thương dây thần kinh như liệt não, chấn thương não hoặc đột quỵ.
Gần đây, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, cũng phát triển công nghệ có thể chẩn đoán mức độ suy giảm trí nhớ chỉ bằng xét nghiệm máu. Công nghệ này đưa ra chẩn đoán về sự tích tụ trong não của protein Tau, một tác nhân chính dẫn tới bệnh Alzheimer. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng khi lượng protein Tau trong máu càng cao thì protein Tau tích tụ trong não càng lớn. Nếu công nghệ này được đưa vào áp dụng thì chỉ cần xét nghệm máu đơn giản là có thể chẩn đoán chính xác về diễn tiến của bệnh Alzheimer.
Alzheimer là bệnh chiếm khoảng 70% trong số các bệnh gây mất trí nhớ. Nếu phát hiện bệnh muộn sau khi tế bào não đã bị tổn thương thì sẽ rất khó điều trị. Do vậy, việc phát hiện sớm là điều hết sức quan trọng.