Italy dự định đề cử cafe espresso, thức uống biểu tượng của "đất nước hình chiếc ủng", trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Dự kiến, Bộ Nông nghiệp Italy sẽ chính thức nộp hồ sơ lên UNESCO vào ngày 31/3 tới.
Cafe espresso từ lâu đã không còn chỉ là một thức uống thông thường mà đã trở thành một nghệ thuật và một "nghi thức" đối với người dân Italy. Mỗi ngày người dân Italy tiêu thụ khoảng 30 triệu tách espresso. Cà phê espresso được uống trong những chiếc ly sứ hoặc tách nhỏ, có thể pha thêm chút sữa và được coi là một biểu tượng của tình bạn.
Theo ông Massimiliano Rosati - chủ quán cà phê Gambrinus, một ly espresso thể hiện sự quan tâm giữa những người bạn. Ông chia sẻ: “Cà phê espresso được thưởng thức hằng ngày, hằng giờ. Đó là những giây phút sẻ chia, giây phút của những điều kỳ diệu”.
Trong tiếng Italy, “espresso” có nghĩa là tức thì, nhanh chóng. Về sau, người ta gọi loại cà phê được pha chế theo phương pháp "espresso" bằng chính cái tên này.
Viện Espresso Italy cho biết một ly espresso đích thực cần có hương vị "hài hòa, có điểm nhấn và độ sánh mịn như nhung", đi kèm với "lớp bọt màu nâu nhạt đến nâu sẫm". Theo một tiêu chuẩn do viện này đưa ra vào năm 1998, một ly espresso cần có mùi hương lâu phai, với "hương hoa, trái cây, bánh mỳ nướng và sôcôla".
Italy tự hào có nhiều truyền thống và phong tục nằm trong danh sách di sản văn hóa của UNESCO, từ hoạt động săn nấm truffle cho đến nghệ thuật làm pizza, chế độ ăn Địa Trung Hải, nghề thủ công violin truyền thống ở Cremona và nơi sinh của thợ chế tác đàn Antonio Stradivari.