Tại không gian ẩm thực, rất nhiều món chay được các chư ni chế biến từ thực vật, đa dạng, an toàn và bổ dưỡng, tạo nguồn năng lượng lành mạnh cho thân tâm người thưởng thức, góp phần bảo vệ môi trường văn hóa tâm linh, môi trường sinh thái.
Thừa Thiên - Huế có hơn 400 chùa và 230 niệm Phật đường. Nói đến ăn chay, nhiều người sành về ẩm thực chay đều cho rằng đây là nơi có nhiều món ăn chay nhất và nấu ăn chay ở Huế đã trở thành một nghệ thuật. Ở vùng nông thôn, mỗi làng đều có một ngôi chùa, vì vậy, số người ăn chay hàng tháng ở Huế khá lớn.
Tại Huế, cơm chay hay được các chùa nấu để ăn và mời khách; các gia đình nấu cơm chay khi cúng giỗ; tiệc chay cũng được làm theo đơn đặt hàng của khách du lịch... Món chay Huế có rất nhiều như: cơm chay, bún chay, bánh canh chay, chả chay, bánh lọc chay... Thường vào ngày 14, ngày cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, Vu lan... phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.
Từ xưa đến nay, ẩm thực chay xứ Huế phát triển và khá phổ biến, việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý - Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành Thủ phủ của Phật giáo. Tại đàn Nam Giao - Huế có cả một khu nhà đồ sộ tên là Trai cung, dành cho vua lên đó ở, ăn chay trước khi tế trời. Tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong các tầng lớp từ dân thường đến quý tộc lúc bấy giờ.
Ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở đây, du khách sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa… đều là những sản vật do các sư, vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vườn chùa...