Món ăn giúp chống ngấy trong những ngày Tết

Ăn thịt mỡ nhiều trong những ngày Tết khiến nhiều người cảm thấy ngán và không muốn ăn. Món ăn này sẽ giúp mọi người lấy lại cảm giác ăn ngon mà không cảm thấy ngấy.

Mang hương vị rất riêng của vùng đất phương Nam, món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh) cuốn thịt luộc kèm rau sống có sức cuốn hút mọi người một cách kỳ lạ. Bởi, trong một miếng cắn, nó có đầy đủ những dư vị của cuộc sống: chua, cay, ngọt, mặn, chát, thơm, bùi, béo...

Món bánh tráng phơi sương với nhiều rau sống sẽ "chống ngấy" trong những ngày Tết. Ảnh: Thanh Vũ

Để làm được bánh tráng ngon, theo kinh nghiệm của người dân Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), phải dùng gạo mùa không pha trộn, vo sạch, ngâm kỹ và thay nước liên tục trong 2 ngày, xong đem xay nhuyễn. Bột nước sệt đem tráng lên tấm vải căng kín miệng nồi hấp, đậy kín một phút là bánh chín. Khi tráng bột, người làm bánh hay thêm tí muối cho có vị mặn. Bánh chín sẽ được trải ra phên đem phơi nắng.


Sau khi phơi khô, bánh sẽ được đem nướng sơ qua lửa, sau đó chờ đến trời gần sáng, khi sương bắt đầu rơi nhiều thì đem ra phơi sương. Bánh vừa thấm sương đủ mềm sẽ được xếp lại ngay, bỏ vào trong bao và lót lá chuối để giữ bánh luôn mềm. Bánh tráng phơi sương dùng để cuốn với thịt heo luộc cùng các loại rau trở thành món ăn “bắt khẩu”.

Luộc thịt là công đoạn quan trọng, mỗi nơi có bí quyết luộc khác nhau nên thịt cũng có hương vị khác nhau. Sau khi luộc, thịt được xắt lát mỏng để cuốn cùng bánh tráng. Ảnh: Thanh Vũ

Rau cuốn bánh phải đủ năm vị: chát, ngọt, chua, béo và thơm. Đó là rau diếp cá, tía tô, lá hẹ, lá cóc, đọt xoài, đinh lăng, lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, húng quế, húng lủi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị, ngò tàu, xà lách... và thêm những lát dưa leo xắt dài, củ kiệu chua ngọt và giá sống.

Rau được rửa kỹ với nước sạch và sục khí để loại bỏ tạp chất. Rau được tuyển lựa kỹ với khoảng trên 20 loại khác nhau và phải đủ các vị chua, chát, cay nồng, thơm, ngọt... Ảnh: Thanh Vũ

Thịt heo luộc là thịt ba chỉ hay thịt đùi heo được xắt lát mỏng. Người Trảng Bàng có bí quyết luộc thịt rất khéo: miếng thịt mềm, khi ăn có vị ngọt, bùi và béo hơn.

Thịt luộc được xắt mỏng để cuốn với bánh tráng phơi sương. Ảnh: Thanh Vũ

Một phần bánh tráng Trảng Bàng cuốn thịt luộc phải bao gồm: Thịt luộc xắt mỏng, dĩa rau sống, bánh tráng phơi sương, đĩa bún tươi, hai chén nước chấm khác nhau, đĩa dưa kiệu, đĩa khế chua và chuối sống, dưa leo xắt mỏng và giá sống. Mỗi phần có thể dùng cho 2-4 người ăn.

Một phần bánh tráng phơi sương gồm nhiều món đi kèm. Ảnh: Thanh Vũ

Người ăn phải dùng tay để cuốn bánh tráng với rau mình thích cùng vài miếng thịt heo luộc và ăn cùng nước chấm. Nước chấm phải là loại nước mắm ngon pha cùng đường, chanh, ớt, tỏi hay cũng có người thích dùng với mắm nêm.

Mỗi phần bánh tráng Trảng Bàng sẽ kèm 2 loại nước chấm khác nhau để khách tuỳ thích: Nước mắm pha chua ngọt và mắm nêm. Ảnh: Thanh Vũ

Rất đông thực khách đến thưởng thức món ăn được xem là đặc sản của miền Nam tại nhà hàng Hoàng Ty (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ

Những âm vị chua-cay, mặn-ngọt, chát-bùi... xen lẫn nhau trong mỗi miếng cắn khiến người ăn có khi đã quá no nhưng vẫn còn...thèm.


M.T/Báo Tin tức
Rủ nhau đi ăn bò nhúng dấm ngày mùa đông
Rủ nhau đi ăn bò nhúng dấm ngày mùa đông

Bò nhúng dấm là một loại "lẩu" yêu thích của người Hà Nội, đặc biệt vào mùa đông, những quán lẩu bò nhúng dấm lại càng đông khách. Với hương vị thơm ngon độc đáo nhưng cách làm lại vô cùng đơn giản, đây được xem là một trong những món lẩu nhúng cực kỳ dễ làm, dễ ăn và dễ nghiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN