Bạo lực và ma túy dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc
Nếu như trước đây, thanh thiếu niên thường phạm tội trộm cắp vặt, gây rối, va chạm, xô xát đánh nhau, thì gần đây, lứa tuổi này phạm tội có chiều hướng nguy hiểm hơn, như: đánh nhau có vũ khí, hình thành băng cướp, trộm cắp tài sản lớn, thậm chí hiếp dâm, giết người, mua bán, sử dụng chất ma túy...
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người xảy ra tại quán karaoke Luxury thuộc thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người thương vong. Theo Công an huyện Lương Sơn (Hòa Bình), khoảng 17 giờ ngày 21/2/2021, có 14 người vào phòng hát số 104 của quán Karaoke Luxury, đa phần có độ tuổi còn trẻ. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, Nguyễn Công Dũng xuống quầy lễ tân của quán mượn 1 con dao (loại dao gọt hoa quả) dài khoảng 20cm mang vào phòng hát và đâm nhiều người, sau đó Dũng dùng dao đâm vào bụng để tự sát.
Ngay sau khi vụ án mạng xảy ra, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, thử ma túy đối với tất cả 14 người, trong đó 4 đối tượng có kết quả dương tính. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây án của đối tượng Nguyễn Công Dũng là do ảo giác (có thể) do sử dụng ma túy dạng đá.
Những vụ án như vậy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn sử dụng ma túy và bạo lực, nhất trong thanh niên hiện nay. Đôi khi chỉ vì một va chạm nhỏ, người khác nói điều gì đó chạm đến lòng tự ái là họ nổi nóng, sẵn sàng lao vào đánh đấm, thậm chí giết người. Nguy hiểm hơn là hiện tượng sử dụng ma túy tổng hợp khiến người dùng rơi vào trạng thái "ngáo đá", ảo giác, kích động, gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng. Những vụ án xảy ra mà thủ phạm đang ở độ tuổi thanh thiếu niên không chỉ gây nên nỗi đau cho người thân, gia đình người bị hại, của người thân các bị cáo mà còn là vấn đề nhức nhối của xã hội.
Lý giải cho tình trạng thanh thiếu niên thích dùng bạo lực, các chuyên gia đã đưa ra một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ những áp lực trong cuộc sống, lớp trẻ thiếu sân chơi, không có thời gian để giải trí, gây ra các vấn đề về tâm lý nên nhiều thanh niên đã tìm đến các hình thức không tốt để giải tỏa áp lực như: đua xe, ma túy, hoặc dẫn đến khó kiểm soát tâm lý, dễ gây gổ, đánh nhau, có các hành vi gây mất trật tự... Mặt khác sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài, nhất là phim ảnh bạo lực lan tràn, những anh hùng trên phim ảnh hay giải quyết vấn đề bằng bạo lực, khiến giới trẻ cũng thích làm theo và bị tác động đến các hành vi ứng xử trong cuộc sống.
Về xu hướng trẻ hóa trong sử dụng ma túy tổng hợp, qua khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, nhiều địa phương, lứa tuổi thanh niên dùng ma túy tổng hợp có tỷ lệ cao. Trước đây, người sử dụng ma túy thường là những đối tượng có trình độ học vấn, hiểu biết còn hạn chế, tuy nhiên thời gian gần đây, mối hiểm họa này đang xâm nhập, lan rộng ở cả những người trẻ "có ăn, có học". Mặc dù chưa có một thống kê chính thức về số lượng học sinh, sinh viên nghiện ma túy, tuy nhiên, tình hình sử dụng ma túy và nguy hiểm hơn là tham gia vận chuyển, mua bán ma túy ở các đối tượng trẻ đang diễn biến phức tạp.
Ngoài vấn đề về nhận thức thì một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến một số thanh, thiếu niên lạm dụng chất gây nghiện hoặc ưa dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề của cuộc sống là do thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, sự hạn chế trong công tác tuyên truyền tại cộng đồng.
Thanh niên cần tự trau dồi bản lĩnh, hoàn thiện nhân cách sống
Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay, đa số thanh niên ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, ra sức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt với khát vọng cống hiến cho tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn đó vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về đạo đức, lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Diễn biến tình hình tư tưởng và những vấn đề tiêu cực mới nảy sinh trong thanh thiếu niên gây lo lắng cho toàn xã hội. Việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên là yêu cầu cấp thiết, góp phần hình thành lớp thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên”, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tổ chức Đoàn Thanh niên.
Cùng với trách nhiệm quan tâm, giáo dục, bồi dưỡng từ phía gia đình và nhà trường, để tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, tổ chức Đoàn tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền định kỳ gặp gỡ, trao đổi, đối thoại về những vấn đề thanh niên đang quan tâm, cần được hỗ trợ, định hướng.
Đặc biệt, quá trình tổ chức giáo dục hướng tới kết hợp sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội; phát huy hiệu quả từ các mô hình “Gia đình tình nguyện - Cộng đồng tình nguyện”, mô hình 3+ ở khu vực địa bàn đô thị (Thanh niên, Phụ nữ, Cựu Chiến binh), 5+ ở khu vực địa bàn nông thôn (Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, Liên đoàn lao động), khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong giáo dục người trẻ.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn tăng cường phối hợp với các cấp, ngành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức kịp thời những tư duy lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên. Với lợi thế nắm bắt được tình hình, sâu sát với thực tiễn, chính các cán bộ Đoàn ở cơ sở sẽ là các mắt xích kết nối đoàn viên, thanh niên, giúp các phong trào, chương trình giáo dục lan tỏa mạnh mẽ.
Tổ chức Đoàn cần xây dựng được những kênh thông tin hợp lý, cập nhật, nắm rõ xu hướng giới trẻ để có thể tạo nên chuỗi các thông tin trọng tâm, đặc sắc, thu hút nhiều đối tượng quan tâm hơn; tiếp tục tận dụng ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, nâng cao vai trò của mạng xã hội, hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn trong giáo dục thanh thiếu niên.
Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và tác động của các yếu tố như: gia đình và giáo dục gia đình; nhà trường và giáo dục học đường; bạn bè và các mối quan hệ bạn bè; phương tiện tuyên truyền truyền thống và hiện đại; công tác thanh niên của Đảng, Nhà nước và của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; môi trường xã hội nói chung, nhất là tinh thần nêu gương của lớp người đi trước; tác động của toàn cầu hóa văn hóa...
Tuy nhiên, chính bản thân thanh niên là yếu tố quan trọng nhất. Thanh niên cần xây dựng ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, tự trau dồi, nâng cao bản lĩnh, hoàn thiện nhân cách sống, khả năng sàng lọc thông tin... để hướng tới những lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao đẹp, có đủ niềm tin, lòng can đảm biến khát vọng thành hành động cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa, từ đó hình thành một thế hệ thanh niên tiên tiến, văn minh, xứng tầm đòi hỏi của đất nước và thời đại.