Các tờ rơi mời chào vay vốn được dán trên cột điện, vách tường tại nhiều ngõ hẻm, khu công nghiệp từ thành thị tới nông thôn...
Triệt phá vẫn... hoành hành
“Vay dễ, trả khó” là thực trạng đáng báo động về tình trạng cho vay nặng lãi không chỉ xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước, dù các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động theo kiểu "tín dụng đen".
Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường sử dụng các hình thức quảng cáo trái phép như dán tờ quảng cáo tại các khu vực công cộng, quảng cáo trên mạng xã hội… với nội dung “cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”… kèm theo số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe… là người vay có thể nhận tiền ngay. Nhưng, thực chất đây chỉ là những cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao.
Đối tượng cho vay kiểu "tín dụng đen" thường nhắm đến những người nghèo, kinh tế khó khăn, công nhân, người kinh doanh nhỏ lẻ, trình độ thấp, thiếu hiểu biết, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất... để mời chào cho vay. Do không hiểu về cách tính lãi suất mập mờ nên nhiều người đi vay tiền đã rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vay tiền mặt của người dân luôn có, đặc biệt là vào dịp cuối năm, gần Tết, song không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Do vậy, dù biết phải trả lãi suất cao cao ngất ngưởng, gấp cả chục lần, thậm chí gấp vài chục lần so với vay tại ngân hàng nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vay “tín dụng đen” để giải quyết công việc cấp bách của mình.
Anh Nguyễn Văn Út - công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, những tháng cuối năm, vợ chồng anh cần khoảng 40 triệu đồng để lấy bánh mứt về bán kiếm thêm dịp Tết. Tuy nhiên, việc tiếp cận và vay vốn từ ngân hàng ở thời điểm này không dễ nên anh đành liều vay vốn "tín dụng đen". Theo tính toán của anh, với mức vay 1 triệu đồng anh chịu mức lãi 5.000 đồng trong ngày, nếu nhân lên là 200.000 đồng cho món vay 40 triệu đồng trong ngày; nếu vay trong vòng 3 tháng, số tiền lãi sẽ khoảng 18 triệu đồng. Dù biết mức lãi suất này là rất cao nhưng không còn cách nào khác, anh Út phải vay để có tiền phục vụ việc buôn bán.
Cũng là nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi, anh Nguyễn Việt Uyên (ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã vay “nóng” 100 triệu đồng của một đối tượng với lãi suất 3%/tháng để giải quyết việc gia đình. Để vay số tiền này, anh Uyên phải đưa giấy tờ sở hữu nhà cho bên cho vay và làm một hợp đồng mua bán tài sản để đề phòng khi anh không trả được nợ. Nếu bên vay trả đủ gốc và lãi, phía cho vay sẽ trả lại giấy tờ sở hữu nhà và xé bản hợp đồng kia. Nhưng thực tế không phải như vậy, khi anh Uyên muốn bán nhà để trả nợ thì mới tá hỏa khi căn nhà của anh đã bị sang tên cho chủ mới.
Hoặc trường hợp của gia đình chị Phạm Thị Xuân ở Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh), dù gia đình chị đã "thoát" khỏi vòng vây của "tín dụng đen" từ hơn 15 năm trước nhưng giờ đây mỗi khi nhớ lại chị vẫn thấy khiếp sợ. Chị Xuân cho biết, để nuôi người chồng bị bệnh ung thư, dù biết vay tín dụng đen là “đi vào chỗ chết” nhưng không còn cách nào khác chị vẫn phải vay. Sau đó, những ngày cuối năm, Tết đến, gia đình chị lại phải “cắn răng” vay thêm tiền để sắm sửa trong gia đình, lãi chồng lãi, số tiền nợ càng ngày càng lớn, đến ngày trả lãi nếu chưa có là chị bị các đối tượng cho vay đến nhà đe dọa. Chị đã phải bán một phần căn nhà nhưng cũng không trả hết nợ.
Đòi hỏi sự phối hợp nhiều giải pháp
Có thể nói, "tín dụng đen" đang len lỏi ở nhiều nơi. Nhưng để ngăn chặn tình trạng này thì vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp nhiều giải pháp của các cấp, các ngành, địa phương.
Theo Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, gây nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự...
Bộ Công an đã giao Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc chủ động tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện các nội dung chỉ đạo các nhà mạng viễn thông phối hợp xác minh, thu hồi, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với những số thuê bao quảng cáo không đúng quy định, không chính chủ (sim rác); tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân các quy định của pháp luật về văn hóa và quảng cáo, tổ chức tháo dỡ biển hiệu, băng-rôn, tờ rơi… quảng cáo cho vay theo hình thức "tín dụng đen"; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo trái phép.
Bộ Công an cũng đang triển khai kế hoạch tập trung tổng rà soát các tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính (có phép và không phép) để từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương, các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở vi phạm…
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm – CEP (Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh), các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi tồn tại được là do cách thức cho vay của các nhóm này rất nhanh gọn, đáp ứng ngay nhu cầu tài chính, trong khi những người nghèo lại không quan tâm đến mức lãi suất cho vay. Do đó, về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế để người nghèo có thể tiếp cận các nguồn tài chính chính thức từ các ngân hàng thương mại thông qua các gói sản phẩm tín dụng phù hợp. Điều này sẽ góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính vi mô Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, tổ chức này đang phục vụ cho vay tín dụng đối với hơn 312.000 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn theo hình thức tín chấp với số vốn 5.965 tỷ đồng. Dù đối tượng được vay vốn từ tổ chức này là những người nghèo nhưng điều đặc biệt là trong những năm qua nợ xấu luôn được khống chế ở mức thấp với tỷ lệ dưới 0,5%. Có được kết quả này chính là nhờ sản phẩm cho vay phù hợp với người nghèo, quy trình cho vay chặt chẽ.
“Người nghèo không thể trả gốc và lãi một lần. Vì vậy các gói tín dụng có thể được chia theo tuần, theo tháng và việc thu lãi từng số tiền nhỏ theo tuần. Việc chia nhỏ và theo sát sẽ giúp người vay dễ dàng trả nợ hơn. Các nhân viên của đơn vị thường xuyên sâu sát nắm tình hình các trường hợp vay vốn, hiểu được khó khăn của họ để động viên, tư vấn các phương án trả nợ kịp thời”, ông Nguyễn Tấn Đạt cho biết thêm.
Như vậy, bên cạnh những giải pháp ngăn chặn vấn nạn "tín dụng đen", các cơ quan chức năng cần có những giải pháp phù hợp để chính sách hỗ trợ tín dụng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là người nghèo. Trong đó, một vấn đề quan trọng là tạo cơ chế để nhiều tổ chức tín dụng của hội, đoàn thể được chuyển đổi, trở thành những tổ chức tài chính vi mô, để ngày càng có nhiều tổ chức như Tổ chức Tài chính vi mô Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen".