Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Quảng Ninh, trong hơn 10 năm hoạt động phi pháp, nhóm đối tượng này đã thu số tiền hàng trăm tỷ đồng. Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 11 đối tượng, trong đó có 10 đối tượng về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”, 1 đối tượng về hành vi “đánh bạc”.
Qua công tác nắm tình hình, tháng 9/2020, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện nhóm đối tượng hình sự có hành vi cưỡng đoạt tài sản của các công ty, cá nhân chuyên cung ứng thực phẩm cho các tàu hoạt động, neo đậu tại vùng biển vịnh Hạ Long và đã hoạt động trong một thời gian dài. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xác lập chuyên án và giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh, nòng cốt là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung đấu tranh triệt phá.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16/1/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đồng loạt tiến hành bắt giữ và khám xét khẩn cấp nhà của 11 đối tượng trong 5 nhóm trên để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” và “đánh bạc”.
Các đối tượng bị bắt về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” gồm: Nguyễn Nam Phương (biệt danh Phương “Mậu”), sinh năm 1975, trú tại tổ 4, khu 2, phường Hồng Hà; Nguyễn Văn Huân, sinh năm 1980, trú tại tổ 59, khu 6, phường Hà Khẩu; Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1974, trú tại tổ 10, khu 4, phường Hồng Hà; Đỗ Thị Út, sinh năm 1970; Nguyễn Văn Ngát, sinh năm 1967, đều trú tại tổ 4, khu 6, phường Yết Kiêu; Dương Thị Vinh, sinh năm 1973, trú tại tổ 7, khu 1, phường Trần Hưng Đạo; Đặng Thị Hà, sinh năm 1980, trú tại tổ 2, khu 1, phường Cao Xanh; Lê Văn Lợi, sinh năm 1983, trú tại tổ 1, khu 5, phường Yết Kiêu; Nguyễn Thị Hợp, sinh năm 1991 và Nguyễn Thị Thắm (tức Bính), sinh năm 1966, đều trú tại tổ 4, khu 6, phường Yết Kiêu. Đinh Thị Oanh, sinh năm 1975, trú tại tổ 6, khu 2, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, bị bắt về hành vi “đánh bạc”.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, biết lượng tàu ra vào, neo đậu tại khu vực vịnh Hạ Long hàng năm rất lớn và có nhu cầu mua một lượng lớn nhu yếu phẩm để đảm bảo sinh hoạt trên tàu trong thời gian dài, Nguyễn Nam Phương và Nguyễn Văn Huân đã đứng ra thống nhất với 4 nhóm khác, tổng cộng 15 đối tượng, để tổ chức ngăn cản các công ty, cá nhân cung cấp hàng và đưa ra yêu sách phải đóng tiền “luật” thì mới cho kinh doanh. Trong trường hợp nhà cung ứng không nộp tiền, quá trình mang hàng ra sẽ bị người của 5 nhóm trên đánh, đe dọa, ngăn cản việc cấp hàng, thậm chí vứt hàng xuống biển, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Sau việc một vài nhà cung ứng ở Hạ Long và Hải Phòng bị đánh, đe dọa, ngăn cản việc cấp hàng, toàn bộ các công ty, cá nhân cung ứng hàng hóa lên các tàu neo đậu tại vịnh Hạ Long đều phải gọi điện thông báo và nộp tiền cho 1 trong 5 nhóm đối tượng trên.
Để tiện việc ăn chia, các đối tượng đã chia lịch thu tiền “luật” tàu ra, vào vịnh Hạ Long theo thông tin danh sách của Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh. Mỗi nhóm trực và thu tiền trong 1 ngày và luân phiên lần lượt từng nhóm.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để tiến hành khởi tố vụ án và điều tra mở rộng, đề nghị các cơ quan doanh nghiệp, cá nhân từng bị các đối tượng này cưỡng đoạt tài sản liên hệ, trình báo và cung cấp thông tin liên quan cho Công an tỉnh Quảng Ninh.