Ngoài ra, còn có trường hợp mạo danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, đồng thời cảnh báo người dân cần cẩn trọng với các thông tin cá nhân.
Đơn cử, anh T.L (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết, khoảng tháng 8/2022, anh nhận được tin nhắn của người thân thông qua mạng xã hội zalo, nhờ chuyển 6 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng. Vì bận công việc và tin tưởng, anh T.L đã không gọi điện kiểm chứng mà tiến hành chuyển tiền. Vài tiếng sau, anh nhận được thông tin của người thân về việc zalo bị hack, mới biết mình đã bị lừa.
Không chỉ lừa đảo thông qua hệ thống tin nhắn zalo, facebook, mới đây, lợi dụng sự hiểu biết, thân quen trong các lần giao dịch trước đó, một đối tượng từng là nhân viên ngân hàng (đã nghỉ việc) đã chiếm đoạt tài sản hàng trăm triệu đồng của một số hộ dân trên địa bàn các xã Ngọc Wang, Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Gia đình anh A Răng, chị Y Liễu (thôn Đăk Duông, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) cho biết, năm 2019, vợ chồng anh thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay số tiền 100 triệu đồng tại chi nhánh Kon Tum của một ngân hàng. Tháng 6/2022, sau một thời gian tích góp tiền được một ít cộng với được người thân gia đình hai bên nội ngoại cho mượn, gia đình anh A Răng quyết định trả nợ ngân hàng, nên liên hệ với Hồ Phước Nguyên (cán bộ ngân hàng phụ trách hồ sơ vay của gia đình anh A Răng) để làm thủ tục trả nợ.
Sau khi đến nhà anh A Răng, Nguyên đã lấy 100 triệu đồng và hẹn ngày ngân hàng trả sổ đỏ. Tuy nhiên, đến hạn, gia đình anh A Răng mới ngỡ ngàng vì khoản nợ chưa được trả, và Nguyên đã nghỉ việc tại ngân hàng từ 5 tháng trước. Sau đó, anh A Răng và một số hộ gia đình khác bị đối tượng này lừa đảo làm đơn tố cáo Hồ Phước Nguyên gửi Công an thành phố Kon Tum. Hiện, Công an thành phố Kon Tum đã tiếp nhận 4 đơn thư tố giác tội phạm và đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Ông Hoàng Minh Tân cho biết, Kon Tum là địa phương có tỷ lệ dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lớn, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên dễ bị các đối tượng tội phạm nhắm đến, lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo. Phương thức lừa đảo thường sử dụng đó là lợi dụng sự không am hiểu của người dân về các quy trình thanh toán, chuyển tiền; chuyển tiền cho các chương trình trúng thưởng hoặc cho các tài khoản của các đối tượng mạo danh cơ quan nhà nước về điều tra, xét xử…
Trước tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum đã tăng cường trao đổi, phối hợp công tác với Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Kon Tum; chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm trong hoạt động thanh toán, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ lợi dụng tài khoản thanh toán cho mục đích bất hợp pháp qua các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn khách hàng nắm bắt các quy trình giao dịch thanh toán, chuyển tiền. Một số ngân hàng thương mại đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình xây dựng nhiều chương trình chuyên đề liên quan đến nội dung giúp khách hàng đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng trên không gian mạng.
“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, mật khẩu cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng để tránh bị lợi dụng…; thường xuyên thay đổi mật khẩu; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin mã OTP hay thực hiện bất kỳ yêu cầu thay đổi thông tin nào khi chưa xác nhận lại với ngân hàng. Khách hàng cũng nên đăng ký với ngân hàng các dịch vụ thông báo biến động số dư để quản lý tài khoản, nắm được số liệu biến động kịp thời. Đối với các giao dịch tiền mặt, người dân nên trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện, không nên nhờ nhân viên ngân hàng thực hiện tại nhà, tại các nơi ngoài trụ sở ngân hàng”, ông Hoàng Minh Tân khuyến cáo.