Tại các “điểm nóng” xe 3 bánh, xe thương binh giả của Hà Nội hiện nay như: Phố “sắt” Đê La Thành (Đống Đa), Chợ Gạo (Hoàn Kiếm), Tam Trinh (Hoàng Mai)… bất kỳ thời gian nào trong ngày đều không khó bắt gặp các loại xe này chờ “đóng” hàng từ các cửa hàng kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng, sau đó sẽ xuất phát “tung hoành”, len lỏi trên các tuyến đường Thủ đô.
Xem clip xe 3 bánh "đánh võng" trên phố Đê La Thành:
Các xe này thường chất hàng nặng quá khổ, quá tải, cồng kềnh gấp nhiều lần tải trọng của xe. Người tham gia giao thông mỗi lần nhìn thấy các “hung thần” này thường vội vàng tạt xe vào hai bên vỉa hè để tránh xa cho lành.
Đáng lo ngại là khi lưu thông trên đường, những xe này thường coi thường pháp luật giao thông, di chuyển với tốc độ cao, sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, kiểm tra, các xe này đều không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, thậm chí không đăng ký, không qua kiểm định…
Không ít vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã xảy ra gần 850 vụ tai nạn giao thông, khiến hơn 800 người chết, 339 người bị thương. Trong đó, số vụ tai nạn liên quan đến loại xe này chiếm tỷ lệ cao.
Xem clip xe 3 bánh ngang nhiên chiếm vỉa hè trên phố Hoàng Cầu:
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết: Mặc dù đã có quy định cấm xe 3 bánh tự chế, tự đóng hoạt động, cơ quan Đăng kiểm cũng không cấp đăng kiểm cho các loại xe này và về nguyên tắc, lực lượng chức năng phải thu giữ xe vi phạm để tránh gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đây chỉ là phần “ngọn”. Chính quyền sở tại và các lực lượng liên quan phát hiện ra nơi sản xuất phải có trách nhiệm xử lý triệt để, mới mong xóa sổ được loại xe này.
Thống kê của phòng Quản lý phương tiện (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Thành phố hiện có trên 500 xe ba gác, xe 3 - 4 bánh của thương binh và người tàn tật, trong đó có hơn 200 xe đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, con số thực tế còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Thực tế, việc kiểm tra của CSGT hiện nay gặp khá nhiều khó khăn, nhất là yêu cầu chủ các phương tiện, lái xe vi phạm bị bắt tại chỗ sang tải, hạ tải, chưa kể lái xe luôn tỏ ra chống đối, gọi thêm nhiều xe khác đến gây áp lực với lực lượng chức năng...
Để xử lý nghiêm xe 3 bánh tự chế, xe thương binh giả chở hàng hóa cồng kềnh trong đợt cao điểm này, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho lực lượng CSGT, công an các quận huyện “phải làm trình tự, từng phần, chặt chẽ, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm ở những nơi, địa bàn đang “nóng” để giảm “nhiệt”.
Cụ thể, lực lượng CSGT đóng vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Lực lượng công an các quận, huyện, thị xã tuần tra, kiểm soát ở các tuyến đê, tuyến đường... thuộc địa bàn quản lý rà soát, xác định tổng số đối tượng sử dụng và số phương tiện trên địa bàn và các đối tượng có dấu hiệu “bảo kê” để kết hợp xử lý ngay.
Với các trường hợp ngang nhiên vi phạm, ngoài việc lập biên bản, lực lượng công an sẽ xác định các tuyến, địa bàn phương tiện đã đi qua, để truy trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ; địa bàn “lọt” vi phạm; nghiêm cấm và xử lý nghiêm những trường hợp bảo kê, xin cho các hành vi vi phạm; đồng thời kiên quyết tịch thu, xử lý phương tiện cố tình vi phạm.
Được biết, Phòng CSGT Hà Nội đã lập các tổ công tác đặc biệt gồm CSGT, CSCĐ, 141 tuần tra từ 6 - 24 giờ trên các tuyến đường. Từ ngày 10 - 15/6, các lực lượng thuộc Công an Hà Nội đã xử lý hơn 1.000 trường hợp xe quá khổ, xe 3 - 4 bánh tự sản xuất, tự lắp ráp lấy danh nghĩa là xe thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hoạt động trên địa bàn thành phố.