Lợi dụng chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước đối với thương binh và người tàn tật, nhiều đối tượng giả danh thương binh chạy xe ba bánh để kinh doanh vận tải trái phép, vi phạm luật giao thông trên đường phố Hà Nội, đang gây bức xúc cho người đi đường và gây mất trật tự đô thị.
Gây nguy hiểm
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội ghi nhận, mỗi ngày xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có khoảng 30 trường hợp xe ba bánh giả danh xe thương binh chở hàng hóa quá khổ, quá tải, vượt đèn đỏ, lấn làn đường...
Tụ điểm xe 3 bánh giả danh xe thương binh tại ngã tư Hoàng Cầu - Đê La Thành. |
Đại úy Nguyễn Công Minh, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Hà Nội), chốt trực trên tuyến đường Đê La Thành, nơi có nhiều hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, sắt thép, nên nhu cầu thuê xe ba bánh vận chuyển hàng hóa lớn cho biết: Thời gian gần đây, có rất nhiều đối tượng dù không phải thương binh nhưng vẫn sử dụng xe thương binh để vận chuyển hàng hóa, gây bất bình trong dư luận. Lợi dụng mác xe thương binh làm “bùa hộ mệnh”, nhiều đối tượng đã giả danh thương binh để trà trộn chở hàng.
Đội CSGT số 3 đã xây dựng kế hoạch chuyên đề, thành lập 3 tổ trinh sát mặc thường phục, mật phục thường xuyên tại các điểm nóng xe thương binh: Đê La Thành, Hào Nam, Cát Linh kéo dài, Nguyễn Lương Bằng... để xử lý tình trạng này. Theo Đại úy Nguyễn Công Minh, trong hai tháng 10 - 11, nhiều ngày đội bắt giữ, xử lý tới 30 trường hợp giả danh thương binh/ngày chạy xe ba bánh chở hàng cồng kềnh.
“Tuy nhiên, việc xử lý cũng gặp không ít khó khăn. Có những trường hợp bị bắt, xác minh thì bố là thương binh, nhưng xe do con sử dụng. Nhiều trường hợp lái xe còn rất trẻ, khi bị bắt thì viện đủ lý do để thoát tội. Thậm chí có đối tượng còn cố tình bỏ của chạy lấy người... ”, Đại úy Minh nói.
Phóng viên báo Tin Tức tìm hiểu, sau đợt kiểm tra gắt gao của CSGT Hà Nội từ năm 2013, tới nay, lượng xe ba bánh tự chế, xe giả danh xe thương binh giảm hẳn. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2014, lại có dấu hiệu hoạt động trở lại, trong đó có cả các xe ba bánh từ ngoại tỉnh về hoạt động tại thủ đô, khiến cho tình hình mất an toàn giao thông gia tăng. Dạo quanh các phố Vọng - Trần Đại Nghĩa - Đại La, khu vực phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), Giải Phóng - Lê Duẩn (quận Hoàng Mai), Long Biên - Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm)... hàng ngày đều có các đoàn xe ba bánh gắn mác xe thương binh xếp hàng chờ bốc hàng. Theo quan sát, những xe này thường đi vào giờ cao điểm, để tránh sự kiểm soát của lực lượng CSGT khi đang phân luồng chống ùn tắc. Còn nếu thấy bóng dáng CSGT ra tín hiệu bắt giữ là những chiếc xe này sẵn sàng tạt ngang đường, quay đầu, lấn làn xe khác để trốn chạy.
Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng tổ xử lý đội Đội CSGT số 1 cho biết: Tất cả các trường hợp bị bắt giữ, đa số người điều khiển không phải là thương binh và trong quá trình xử lý đã phát hiện nhiều xe ba bánh mang biển kiểm soát của Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương... Do thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, nhiều xe thiếu gương chiếu hậu, đèn xi - nhan, chế thùng chứa đồ vô tội vạ... nên khi tham gia giao thông, các xe này rất dễ gây nguy hiểm cho người đi đường.
Tịch thu phương tiện vi phạm
Thống kê của Phòng CSGT Hà Nội năm 2009, số lượng xe ba bánh của thương binh tại Hà Nội có khoảng 500 xe, việc giả mạo thương binh sử dụng xe ba bánh thời điểm này rất ít. Tuy nhiên, đến nay, con số đã lên đến hơn 3.000 xe, chưa kể xe các xe ba bánh tự chế, xe ba bánh ngoại tỉnh hoạt động tại Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này, ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Chính sách người có công (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết: Để hạn chế tình trạng giả danh thương binh, Sở đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn những người thương binh và khuyết tật chuyển đổi nghề. Từ đó, sẽ không còn việc “núp bóng”, giả mạo thương binh để hành nghề, gây bức xúc dư luận và làm ảnh hưởng đến uy tín của người thương binh.
Qua tìm hiểu, hầu hết các chủ xe ba bánh đều nói rằng: Họ đã nhiều lần được tuyên truyền chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, đến nay, do chưa bị bắt, chưa bị xử lý, nên họ vẫn tiếp tục hành nghề. Chỉ cần bỏ ra số vốn từ 15 - 20 triệu đồng mua một chiếc xe, bình quân mỗi ngày mỗi người cũng kiếm được vài trăm nghìn, trong khi nhu cầu của người dân vận chuyển hàng bằng xe ba bánh lại rất lớn.
Đại úy Nguyễn Công Minh cho rằng: Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần thực hiện các biện pháp quyết liệt mới giải quyết được thực trạng này. Về phía Phòng CSGT Hà Nội, những người điều khiển xe ba bánh không phải là thương binh sẽ bị lực lượng CSGT kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Nếu người vi phạm không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe sẽ bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, Phòng CSGT Hà Nội tới đây sẽ phối hợp với các lực lượng liên ngành điều tra xử lý triệt để các cơ sở sản xuất ra các loại phương tiện này, nhằm trị bệnh tận gốc.
Cần phải nói thêm rằng, quy định đình chỉ lưu hành các loại xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế có hiệu lực từ năm 2008. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc loại bỏ hoàn toàn gần 16.000 xe tự chế, tìm xe thay thế và hỗ trợ người dân chuyển hướng làm ăn vẫn đang là bài toán nan giải với các địa phương. Khó cấm, khó quản, nên nhiều xe vẫn “ung dung” hoạt động. Đó là thực tế của không riêng giao thông Hà Nội mà còn là của nhiều địa phương trên cả nước.
Tiến Hiếu